Một học sinh lớp 1 học chương trình song ngữ Anh-Hoa ở Trường quốc tế Beacon Hill trong giờ học toán bằng tiếng Hoa |
Trong tiết học toán lớp 1 tại Trường quốc tế Beacon Hill ở Seattle, không ai thốt ra từ tiếng Anh nào!
Thế giới song ngữ
Gần một tiếng đồng hồ, cô giáo Ying Ying Wu chỉ giảng dạy bằng tiếng Hoa Quan Thoại. Cả lớp toàn học sinh 6-7 tuổi dường như cũng hiểu được cô Wu đang nói gì, mặc dù chỉ có duy nhất một em sử dụng tiếng Quan Thoại giao tiếp với bố mẹ ở nhà. Ngay cả những bài kiểm tra toán cũng được cô Wu dịch sang tiếng Hoa.
Ở Trường quốc tế Beacon Hill, nhiều học sinh được cha mẹ cho học thêm ngôn ngữ thứ hai ngay khi học tiếng Anh vỡ lòng. Nửa ngày ở trường, các em sẽ được giảng dạy bằng Hoa ngữ hoặc tiếng Tây Ban Nha.
Đó là phương pháp được các phụ huynh Mỹ ủng hộ vì họ muốn con mình có thể giao tiếp trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa. John Stanford là trường quốc tế đầu tiên ở Seattle. Danh sách chờ ghi danh của trường ngày càng dài kể từ khi chương trình này được khởi xướng vào năm 2000. Năm vừa qua đã có 75 gia đình không thể xin cho con vào học tại Trường quốc tế Beacon Hill.
Thực tế những chương trình giáo dục song ngữ như thế vẫn còn hiếm ở Seattle và khắp nước Mỹ bất kể chuyện cạnh tranh toàn cầu đã trở nên quen thuộc và ai cũng biết việc học ngoại ngữ ngay từ nhỏ là cần thiết. Mỹ có lẽ là nước duy nhất trên thế giới chỉ đưa ngoại ngữ vào dạy từ bậc trung học. Trong khi ở châu Phi, học sinh mẫu giáo cũng đang được học thêm tiếng Hoa.
Với những ai không biết tiếng Hoa, việc dự giờ môn toán của cô Wu sẽ là một trải nghiệm khó hiểu. Cách duy nhất để hình dung chuyện gì đang diễn ra là quan sát các em học sinh. Chỉ khi nào các em ghi tên mình trên đầu bài kiểm tra hay giải bài toán thì chúng ta mới hiểu cô Wu vừa yêu cầu các em làm gì.
Có khi, một vài học sinh cũng bật ra những từ tiếng Anh. Đây là chuyện bình thường vì các em chưa thành thạo Hoa ngữ. Dù vậy, cô Wu vẫn giả vờ như mình không biết tiếng Anh và trả lời bằng tiếng Hoa: “Wo ting bu tong!”. (Tôi nghe nhưng không hiểu!). Đây là cách cô Wu muốn khích lệ các em tìm cách diễn đạt bằng ngoại ngữ.
Nói được ba thứ tiếng!
Buổi chiều, những học sinh này chuyển sang học đọc và viết các môn khác bằng tiếng Anh. Nhưng vào buổi sáng, các em học môn toán và môn khoa học bằng tiếng Hoa để dần dần thông thạo ngoại ngữ thứ hai này qua sự hướng dẫn của cô Wu.
Lúc đầu, chỉ có những gia đình học sinh nói tiếng Anh và tiếng Hoa mới quan tâm đến các lớp song ngữ của Trường Beacon Hill. Những gia đình nói tiếng Tây Ban Nha định cư tại Mỹ thì hơi dè dặt vì lo rằng nếu theo chương trình này, con họ sẽ không thông thạo tiếng Anh. Nhưng hiện giờ mối bận tâm đó đã không còn vì đây là môi trường tốt để con em họ nói được cả hai, ba thứ tiếng.
Các giáo viên hy vọng chương trình song ngữ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học của các em học sinh, đặc biệt những học sinh nhập cư vốn có sức học kém hơn học sinh bản địa vì chưa thông thạo tiếng Anh. Vài năm trước, khi Ban giáo vụ Trường Beacon Hill phỏng vấn tuyển giáo viên song ngữ Anh-Tây Ban Nha cho chương trình này, họ yêu cầu các ứng viên dạy thử và ứng viên chỉ đạt chuẩn khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh, kể cả những em thụ động nhất.
Tiết học toán lớp 1 bằng tiếng Hoa của cô Wu vừa kết thúc thì giờ địa lý của lớp song ngữ Anh-Tây Ban Nha ở phòng bên cạnh bắt đầu. Cô Kathy Ritzer dạy học sinh cách tìm ra phương hướng và phân biệt đất liền với biển bằng tiếng Tây Ban Nha. Cô tập cho các em hiểu và nói được các khái niệm đơn giản như oceano (đại dương), continente (lục địa), rồi norte (bắc), sur (nam), este (đông) và oeste (tây). Học sinh sẽ thực hành các từ mới dưới hình thức một trò chơi.
Khi chuẩn bị đi ăn trưa, một học sinh khoe với một vị khách đến thăm trường bức tranh chì màu của em. Em này ở nhà không hề nói tiếng Tây Ban Nha mà chỉ sử dụng tiếng Rumani vì gia đình em mới nhập cư từ quốc gia vùng Đông Âu này đến Mỹ. Vậy là em đang cùng lúc học hai, thậm chí là ba ngôn ngữ trong chương trình giảng dạy của trường.
(Theo The Seattle Times)
Yên Nhạn
Bình luận (0)