Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Dạy trẻ cách giải quyết mâu thuẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học ở Mỹ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Trẻ em thường có xu hướng gây xung đột. Với những bậc phụ huynh có từ hai con trở lên hoặc những ngành nghề tiếp xúc trực tiếp với trẻ em, nhiều người thường bối rối không biết làm gì khi các bé giành nhau một món đồ chơi hay chỉ đơn giản là giành nhau xem ai vào cửa trước.
Tuy nhiên, có một vài bước đơn giản nhưng thật sự hiệu quả để hướng dẫn trẻ nhỏ cách giải quyết mâu thuẫn với các bạn khác một cách tốt nhất mà trẻ không cần phải khóc nhiều.
Bước 1: Thấu hiểu cảm xúc của trẻ
Mỗi khi bọn trẻ giành nhau vật gì, những trận cãi vã này thường bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Bất cứ khi nào các bé cảm thấy buồn bực, bước đầu tiên bạn hãy cho trẻ thấy rằng bạn hiểu điều đó bằng câu nói: “Cha/ mẹ biết cả hai con đều đang rất bực bội”. Khi nói chuyện với người lớn, trẻ thường muốn cảm xúc của mình được hiểu rõ.
Nếu ta bắt đầu giải quyết vấn đề bằng cách ra lệnh: “Ngừng khóc ngay” hoặc “Im lặng nào”, bọn trẻ sẽ khó chịu hơn và tình huống sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi. Mặt khác, việc thấu hiểu cảm xúc của trẻ giúp các bé bình tĩnh hơn khi chúng biết có người hiểu chúng đang nghĩ gì.
Bước 2: Xác định vấn đề
Khi cơn nóng giận lắng xuống và trẻ đã bình tĩnh hơn, bạn hãy bảo trẻ trình bày những gì chúng nghĩ về cuộc cãi vã. Hãy luôn nhớ rằng trẻ em sẽ không thể nói rõ ràng bất cứ điều gì cho đến khi thôi không thút thít hoặc la hét om sòm.
Dù là trẻ em hay người lớn ở bất cứ độ tuổi nào, trong cơn giận dữ họ đều rất khó suy nghĩ và hành động đúng đắn, vì thế, bạn hãy kiên nhẫn chờ đến thời điểm thích hợp để bước sang giai đoạn này. Sau khi trẻ đã giải thích những gì bé nghĩ, bạn hãy tóm tắt lại rằng: “Vấn đề ở đây là cả hai con đều muốn chơi với chiếc xe tải màu đỏ ấy phải không?”. Sau đó, bạn hãy hỏi cả hai trẻ để xác nhận lại đấy đúng là điểm mấu chốt của vấn đề.
Bước 3: Gợi ý và khuyến khích trẻ đưa ra giải pháp
Đối với trẻ còn nhỏ tuổi, các bé có thể cần giúp đỡ nhiều hơn những trẻ lớn. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, bạn hãy hỏi bé: “Thế bây giờ chúng ta nên làm gì đây?”. Bạn cũng có thể đưa ra vài gợi ý. Những bé lớn hơn sẽ bắt đầu đề nghị một số cách giải quyết.
Ví dụ: Một bé có thể sẽ nói: “Nếu con chơi với xe đỏ và anh con chơi với chiếc màu xanh, vậy có được không ạ?”. Nếu thế, bạn hãy hỏi bé còn lại: “Như vậy con có đồng ý không?”. Hãy nhớ rằng cả hai bé đều cần phải đồng ý với cùng một giải pháp. Nếu chúng vẫn chưa đồng ý với giải pháp đưa ra, hãy khuyến khích trẻ tiếp tục suy nghĩ cách giải quyết vấn đề ổn thỏa cho cả hai bé. Nếu trẻ còn quá nhỏ và không thể tự đưa ra ý kiến của mình, bạn có thể giúp trẻ đưa ra một số gợi ý đến khi tất cả đều đồng ý.
Bước 4: Nói lại lần nữa cách giải quyết
Lúc này bạn có thể nói: “Cách chúng ta giải quyết sẽ là…” và xác nhận rằng cả hai đã đồng ý với cách này bằng câu: “Vậy là các con đã hết cãi nhau rồi”.
Bước 5: Tiếp tục quan sát
Bạn hãy tiếp tục quan sát trẻ thêm khoảng 10 phút. Nếu các trẻ lại tiếp tục cãi nhau, hãy tiếp tục thực hiện các bước giải quyết mâu thuẫn lần nữa. Nếu mọi việc đều ổn, bạn thử hỏi trẻ: “Các con thấy khi nãy mình giải quyết như vậy có được không?”.
Ngọc Trúc (Theo Jamie Sullivan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)