Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ đòi đưa cá da trơn vào luật

Tạp Chí Giáo Dục

Một số nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, đã lên tiếng phản đối việc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề xuất bổ sung chương trình điều tra cá da trơn nhập khẩu vào dự luật nông nghiệp.
Nông dân Mississippi thu hoạch cá da trơn – Ảnh: msbussiness.com
Trang tin tức Mỹ Food Safety dẫn lời ông McCain nhấn mạnh nếu chương trình không bị hủy bỏ thì Việt Nam, vốn là nước xuất khẩu cá da trơn lớn nhất thế giới, sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì việc dựng lên rào cản thương mại phi lý. Năm 2010, Mỹ nhập khẩu 185 triệu USD cá da trơn từ Việt Nam.
Theo thượng nghị sĩ McCain, chương trình mang vỏ bọc an toàn thực phẩm này thực chất là nhằm bảo hộ giới nuôi cá ở miền nam nước Mỹ trước sức cạnh tranh của các nước xuất khẩu cá da trơn. “Mục đích chính của chương trình này là dựng lên các rào cản thương mại chống lại việc nhập khẩu cá da trơn từ châu Á nhằm bảo vệ ngành nuôi cá da trơn nội địa mà hậu quả là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn” – Hãng ABC dẫn lời ông McCain vạch rõ.
Sai phạm tồi tệ
Ông McCain liệt kê mười nội dung bổ sung vào dự luật nông nghiệp 2012, trong đó có điều khoản đòi đưa chương trình kiểm soát cá da trơn vào dự luật, và mô tả đó là “các sai phạm tồi tệ nhất”. Ông cũng cho rằng hành động này khiến thị trường xuất khẩu trị giá 20 tỉ USD của Mỹ tại Việt Nam và Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng. Với sự ủng hộ của 13 nghị sĩ Mỹ, ông McCain cho biết đã đệ trình một điều khoản bổ sung riêng nhằm loại bỏ đề xuất thành lập văn phòng kiểm soát cá da trơn của USDA.
Báo Washington Post cho biết năm 2002, với đạo luật hạn chế dán tên “catfish” trên các sản phẩm tại Mỹ, giới nuôi cá da trơn của Mỹ đã buộc các nhà sản xuất châu Á phải dán nhãn sản phẩm của họ bằng tên khác, không được dùng tên “catfish” trên sản phẩm bán sang Mỹ. “Rốt cuộc biện pháp này đã gây phản ứng ngược cho các nhà sản xuất trong nước vì cá da trơn của châu Á đã quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ” – ông McCain nói.
“Tôi đồng ý cá da trơn nên an toàn cho người tiêu dùng Mỹ. Song, vấn đề là Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã điều tra cá da trơn nhập khẩu. Họ đã quét kiểm tra các mối nguy hiểm hóa học và sinh học trong cá da trơn giống như tất cả các loại hải sản khác. Nếu có những lý do an toàn thực phẩm chính đáng hơn để FDA điều tra cá da trơn thì chúng tôi sẽ không có buổi thảo luận này” – thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh.
Truyền thông Mỹ cho biết chương trình cá da trơn chưa được đưa ra Cơ quan Điều tra và an toàn thực phẩm (FSIS) của FDA, do cơ quan này chưa có định nghĩa rõ ràng về “cá da trơn”. Văn phòng trách nhiệm giải trình của chính phủ đã chất vấn nghiêm túc chương trình điều tra cá da trơn và nghi vấn liệu chương trình này có cải thiện an toàn thực phẩm hay không.
Chương trình tốn kém
Văn phòng của thượng nghị sĩ McCain cho biết nếu văn phòng kiểm soát cá da trơn được thành lập sẽ tiêu tốn đến 30 triệu USD tiền thuế của dân Mỹ và mỗi năm ngốn hết 14 triệu USD để vận hành. Trong khi đó FDA đã và đang làm tốt chức năng đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Thực chất FSIS cho biết từ năm 2009-2011, cơ quan này đã chi 15,4 triệu USD chỉ riêng cho chương trình đang được triển khai và dự chi thêm 4,4 triệu USD trong năm 2012.
Không có gì lạ khi một số thượng nghị sĩ ở các bang sản xuất cá da trơn đã lên tiếng phản ứng đối với ý kiến của ông McCain. “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc điều tra cá da trơn của USDA. FDA hiện nay chỉ điều tra không tới 2% hải sản nhập khẩu vào Mỹ và sự giám sát này là không thỏa đáng” – thượng nghị sĩ John Boozman của bang Arkansas nói.
Theo Reuters, Mississippi, Alabama và Arkansas là ba bang sản xuất cá da trơn lớn nhất nước Mỹ. Song từ vài năm qua, sản lượng cá da trơn ở các bang này đã giảm, chỉ riêng ở bang Arkansas sản lượng giảm từ 21 triệu con năm 2010 xuống còn 13 triệu con năm 2011.
Từ tháng 11-2009, ngành cá da trơn nội địa Mỹ đã bắt đầu tuyên chiến với ngành cá da trơn nhập khẩu. Khi đó, báo Washington Post và Politico đăng hàng loạt bài viết yêu cầu thanh tra các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu. Cuộc chiến đưa cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào chương trình thanh tra mới của USDA đã trở thành một cuộc tranh cãi chính trị tại Mỹ từ đó.
 
Theo TTO

Bình luận (0)