Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Du học sinh đối mặt với việc cắt giảm ngân sách giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Việc thiếu hụt ngân sách bang California gây nhiều khó khăn cho du học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, khi mà hàng triệu người bị mất việc thì việc quay trở lại trường học để nâng cao kiến thức và tay nghề trong lúc chờ cơ hội mới có vẻ là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, cơn bão suy thoái kinh tế ở Mỹ, đặc biệt là bang California, cũng không chừa một ai, kể cả sinh viên, học sinh.
Hiện nay, ngân sách bang Califor-nia đang thiếu hụt trầm trọng với số tiền lên đến 20 tỉ đô la. Hàng loạt nhân viên và giáo viên phải đối mặt với việc cắt giảm việc làm từ các trường học. Ngoài ra, việc cắt giảm lớp học và tăng tiền học phí là một vấn đề nan giải với các sinh viên thuộc các trường đại học và cao đẳng cộng đồng ở California. Nếu như sinh viên bản xứ phải chịu hoàn cảnh như vậy thì sinh viên du học phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Để tiết kiệm tiền, nhiều du học sinh chọn những trường cao đẳng cộng đồng để học tập vì giá cả khá “mềm” so với các trường đại học lớn danh tiếng ở California như UC (Hệ thống trường công lập bang California) và chất lượng cũng khá tốt. Tuy nhiên, vì giá cả trường cao đẳng cộng đồng khá rẻ (chỉ với $26/ unit (tín chỉ) với dân bản xứ) và là một bước đệm vững vàng trước khi chuyển tiếp lên các trường đại học 4 năm, nên rất nhiều sinh viên bản xứ cũng đổ xô vào học các trường cao đẳng cộng đồng. Do đó, số lượng sinh viên càng lúc càng đông, đặc biệt ở những trường có chất lượng đào tạo cao như Orange Coast College. Số lượng sinh viên ở đây lên tới 24.700 người. Với số lượng sinh viên đông như vậy nhưng số lớp giảm gần một nửa so với cách đây một năm khiến nhiều sinh viên phải loay hoay tìm cách đăng ký học để sớm chuyển tiếp hoặc ra trường.
Quá trình đăng kí lớp cũng là một khó khăn rất lớn cho du học sinh. Đối với sinh viên bản xứ, nếu trường không đủ lớp, họ có thể dễ dàng lấy lớp ở trường khác. Trong khi đó, du học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn khi xin học thêm lớp ở một trường khác. Sinh viên phải lên văn phòng du học sinh khai báo mới được đăng ký lớp ở trường khác nếu còn chỗ. Ngoài ra, sinh viên bản xứ nếu gặp khó khăn về tài chính sẽ được vào chương trình EOPS – một chương trình phúc lợi của Chính phủ hỗ trợ các sinh viên nghèo tiền học phí và sinh hoạt. Họ còn được ưu đãi đăng kí lớp sớm hơn một tháng. Riêng sinh viên nước ngoài thì ngược lại, họ phải đóng tiền cao gấp mười lần sinh viên bản xứ nhưng phải đợi cả tháng mới bắt đầu được đăng ký lớp, khi mà những lớp họ cần gần như đã hết chỗ.
Ngoài việc đăng kí lớp, tiền học phí cũng ngày một tăng. Năm 2009, tiền học phí cho sinh viên quốc tế là $190/ unit ở Trường Golden West College. Đến năm 2010, số tiền đã lên đến $226/ unit. Như vậy nếu tính trung bình một sinh viên học 12 units, số tiền chênh lệch sẽ là $432. Đó là một số tiền không phải nhỏ đối với du học sinh.
Nếu như cách đây vài năm, một sinh viên trung bình mất 2 năm để chuyển tiếp thì nay, với việc cắt giảm lớp học và tăng học phí, sinh viên phải đợi thêm một vài năm để ra trường. Như vậy chi phí sinh hoạt cũng tăng theo mỗi năm học. Do đó, dù tình hình kinh tế thế giới có vẻ đã bớt gay go, tình hình du học sinh bang California đang có chiều hướng ngày càng khó khăn hơn.
Lộc Đỗ (California)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)