Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Giá trị của tấm bằng ĐH khi khủng hoảng kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Thomas, Mỹ. Ảnh: I.T

Trong bối cảnh có quá nhiều người thất nghiệp hiện nay, tại Mỹ đang có những câu hỏi đặt ra cho giá trị của việc theo đuổi bậc ĐH. Những câu hỏi này, không chỉ đến từ giới SV hay cha mẹ của họ mà còn từ các trường ĐH đang ngày càng gặp nhiều cạnh tranh gắt gao hơn và phải thích ứng với hoàn cảnh mới để sống còn.
Áp lực cho nhà trường
Trường Thomas ở Waterville Maine, một ĐH chuyên về nhân văn phổ thông, được sự chú ý của dư luận khi tờ New York Times có một bài phóng sự về việc trường này mở chiến dịch marketing, tự quảng cáo là “Nơi bảo đảm có việc làm!” Theo đó các SV không kiếm được việc đúng theo ngành học của họ 6 tháng sau khi ra trường có thể quay về học thêm các lớp khác mà không phải trả tiền hoặc nhà trường sẽ trả nợ tiền học của họ trong một năm. Lại có những trường bỏ hẳn những lớp học hay những phân khoa nay bị coi là không còn hữu dụng đối với giới SV vào học, dù rằng điều này sẽ không được sự đồng ý của những người khác. Trường ĐH Lousiana ở Lafayette, nay bỏ ngành triết học trong khi ĐH Michigan bỏ phân khoa về Hoa Kỳ hay văn chương cổ điển sau nhiều năm có sự suy giảm trong sĩ số SV theo học.
Cũng có trường thay đổi nội dung lớp học để phù hợp hơn. Tại một lớp học cho người học ngành Anh văn có tên “Tiếng Anh chuyên ngành nơi làm việc” tại ĐH ở Texas, các SV được học thêm cách tạo mối quan hệ, viết bản tóm tắt lý lịch để xin việc và kinh nghiệm trong cuộc phỏng vấn xin việc.
Ngày nay, giá trị của sự đầu tư vào việc theo đuổi ĐH khiến cho các SV và cha mẹ của họ suy nghĩ nhiều hơn về những gì họ sẽ có được sau khi tốt nghiệp. Mức lời của sự đầu tư là gì? nhất là khi tiền đầu tư ngày càng nhiều hơn. Làm thế nào để chắc chắn rằng sẽ có việc sau khi ra trường? Các áp lực này đang đè nặng lên các trường ĐH khiến họ phải có nhiều thay đổi, từ văn phòng thu nhận SV cho đến các trung tâm kiếm việc cho SV. Nhưng trong lúc họ phải vất vả tìm cách chứng minh giá trị của mình, các trường ĐH vẫn lo lắng là nếu SV chọn ngành chuyên môn quá sớm, họ chỉ chú trọng vào môn học chính mà không còn thời giờ cho sự phát triển toàn diện của SV, vốn từ bao lâu nay vẫn được coi là một điều quan trọng trong nhiệm vụ của ĐH. Nhưng rõ ràng là quan niệm này phải thay đổi.
Ngành thương mại lên ngôi
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến hàng năm của các SV Trường ĐH California tại Los Angeles từ hơn 400.000 SV năm thứ nhất cho thấy sự chuyển đổi này. Vào năm 1971, có 37% SV được hỏi trả lời rằng “có nhiều tiền” là quan trọng hay cần thiết đối với họ, trong khi có 73% nói rằng điều quan trọng là “phát triển một quan niệm sống có ý nghĩa”. Năm 2009, các giá trị này gần như đảo ngược: có đến 78% xác định mục tiêu của họ là sự giàu có.
Sự thay đổi này cũng được phản ảnh trong chương trình học. Trên cả nước, thương mại trở thành ngành học được ưa chuộng nhất trong 15 năm qua. Người ta cũng nhìn thấy ảnh hưởng của thực tế trong lĩnh vực kinh tế và thế giới, các trường này mở rộng lớp học tiếng Hoa và tiếng Ả Rập. Trường ĐH Michigan cho biết có sự gia tăng khoảng 38% trong số SV theo học lớp ngôn ngữ Á châu kể từ năm 2002 đến nay, trong khi tiếng Pháp giảm khoảng 5%.
Việc bỏ các ngành học về văn chương cổ điển hay triết học có thể là điều không thể nào chấp nhận với SV thế hệ trước. Nhưng ngày nay, với tình trạng cắt giảm ngân sách, những ngành học này bị coi là xa xỉ hay lỗi thời.
Ở tiểu bang Michigan, nơi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sớm và trầm trọng hơn cả, các ĐH lại càng có nhu cầu duyệt xét lại giá trị của mình trong thị trường kiếm việc. Trường ĐH Michigan cho biết họ phải thay đổi từ 5 năm trước khi giám đốc phòng thu nhận SV thuyết trình về thành phần SV năm thứ nhất của năm đó và cho hay có tới 10%, tức khoảng 600 SV, đã khởi sự các dịch vụ làm ăn của mình khi còn ở bậc trung học. Điều này khiến cho trường phải mở ra khoảng 100 lớp về doanh nghiệp ở khắp các ngành trong chương trình học. Theo Hiệp Hội các trường ĐH Hoa Kỳ có đến 89% các công ty được hỏi về những gì họ muốn các trường dạy cho người SV. Họ muốn có sự “nhấn mạnh nhiều hơn về khả năng trình bày hiệu quả qua ngôn từ cũng như văn bản”, có 81% yêu cầu “có sự suy xét, phân tích và khả năng lý luận,” và 70% muốn người SV phải có “khả năng cải tiến và sáng tạo”.
Lê Hoàng
Theo The News York times, BBC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)