Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Giảng dạy qua các lớp học ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Học viện Công nghệ Massachusetts

Năm 1963, một tạp chí có tên Popular Mechanics đưa ra dự báo về một sự cách tân giáo dục sẽ làm thay đổi thế giới: “Lớp học không có giáo viên”.
Lớp học trực tuyến
Tạp chí này đã mô tả về một tòa nhà mới tại Trường Đại học Miami có hình chiếc bánh rán kiểu Mỹ và được chia nhỏ thành 12 phòng học. Các giảng viên chỉ việc đứng ở căn phòng trung tâm để giảng dạy. Còn hình ảnh của họ sẽ được chiếu đồng thời đến từng phòng học. Và ý kiến thắc mắc của sinh viên sẽ trình lên cho giảng viên thông qua các nút bấm phản hồi trên ghế ngồi của mình, kể cả nút “Tôi không biết vấn đề này”. Cuộc sống của các giáo sư cũng như của các học viên tham gia vào chương trình giáo dục này có lẽ sẽ thay đổi nhiều.
Nhưng ước mơ về một lớp học không giáo viên như vậy vẫn còn đó. Và hôm nay nó đã trở lại. Đặc biệt nhờ vào sự phát triển của mạng lưới internet, những tiến bộ của phương tiện đa truyền thông và cả tiềm năng thị trường là hàng triệu người muốn đi học nhưng không có điều kiện học tập.
Một hiệp hội mang tên Học liệu Mở, được thành lập bởi Học viện Công nghệ Massachusetts, cho phép các trường đại học trên khắp thế giới đăng tải các khóa học trực tuyến miễn phí, bao gồm những ghi chép, bài giảng của các giáo sư thông qua các đoạn video clip, kể cả các kỳ thi. Cổng thông tin điện tử iTunes sẽ cung cấp các bài thuyết trình từ Trường Đại học Berkeley, Trường Đại học Oxford và những trường Đại học khác trên thế giới. Và Trường Đại học Nhân Dân, được thành lập bởi một doanh nhân người Israel sẽ cấp bằng trình độ cử nhân thông qua chương trình được gọi là “giảng dạy đồng đẳng” – tức các sinh viên không những phải học từ thầy mà còn học lẫn nhau, trao đổi các câu hỏi và trả lời trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử.
Cạnh tranh về giáo dục
Thời đại công nghệ số đã thay đổi việc giảng dạy truyền thống sang một hình thức khác. Ở đó cho phép mọi người dù ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia các lớp học mà họ muốn, vào bất cứ lúc nào và bằng bất cứ phương tiện truyền thông gì.
Sinh viên có thể kết hợp các tín chỉ từ nhiều khóa học khác nhau vào một trình độ bằng cấp bằng một kỳ thi đầu ra. Các sinh viên dù sống ở Paris vẫn có thể tham dự các lớp học của MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts), sau đó được đến một trường đại học ở Đức để thi lấy bằng. Phương pháp giảng dạy này sẽ làm cho các trường đại học phải cạnh tranh nhiều hơn về chất lượng, giá cả và sự tiện lợi.
“Điều này sẽ đặt người học vào thế chủ động” – Scott McNealy, Chủ tịch Tập đoàn Sun Microsystems – một tập đoàn khổng lồ về công nghệ nói. Chính Scott McNealy đã đưa ra sáng kiến về cách thức tiếp cận phương pháp học này. Ông ấy tạo nên công cụ Curriki, một công cụ trực tuyến dùng chia sẻ các kế hoạch về bài học và các tài liệu khác. Scott McNealy còn là nhà đầu tư đầu tiên của Trường Đại học Western Governors, nơi có chương trình cấp bằng trực tuyến.
Tuy nhiên, chưa rõ phương pháp học tập này có được các giảng viên hưởng ứng hay không. Bởi lẽ đây chính là cách truyền thụ kiến thức mới lạ, giúp cho những giảng viên, giáo sư giỏi tăng lên số lượng khán giả, học viên ở bên ngoài khuôn viên các trường đại học. Nhưng nếu là một giáo viên bình thường ở một trường đại học hạng trung, thì các khóa học miễn phí ở một trường tầm cỡ như MIT thật sự là một mối đe dọa.
Scott McNealy cho rằng chính điều này là một sự cạnh tranh giáo dục. Nó giúp cho nhiều giáo viên phải xây dựng lại hình ảnh của bản thân. Họ phải không ngừng nâng cao trình độ và giảng dạy như những người hướng dẫn chứ không phải chỉ là người đưa ra nội dung bài học, đồng thời tập trung hơn vào các tài liệu theo yêu cầu có tính hấp dẫn cho sinh viên, và phải luôn “để mắt” đến các giảng viên giỏi hơn mình.
 
Học liệu Mở cho phép truy cập vào các tài liệu học tập vốn sử dụng trong các chương trình học chính thức, nơi cung cấp nguồn tài liệu đào tạo có chất lượng được số hóa và tổ chức thành những khóa học mở miễn phí trên mạng. Sáng kiến này cho phép các trường đại học, sinh viên khắp thế giới mở rộng truy cập, tìm kiếm nguồn tài liệu cũng như tạo cơ hội cho những người không có điều kiện (do hạn chế về không gian, thời gian và tài chính) có thể tham gia học tập.
 
Ngân Du
 (Theo The NewYork Times)

Bình luận (0)