Mỹ công bố kế hoạch hỗ trợ khí tài quân sự để giúp Philippines giám sát biển Đông. Tuyên bố được đưa ra chỉ năm ngày sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino đến thăm Washington.
Hình ảnh máy bay không người lái của Trung Quốc được hải quân Nhật chụp hồi tháng 5-2012 – Ảnh: MSDF
|
AFP dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines một trạm rađa đặt trên đất liền để giám sát mọi hoạt động trên biển Đông. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Philippines một trung tâm giám sát bờ biển quốc gia. Trung tâm này được thiết kế nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về những gì đang diễn ra ở các vùng biển gần Philippines” – người phát ngôn Lầu Năm Góc Catherine Wilkinson cho biết.
Lầu Năm Góc đang thảo luận phạm vi hỗ trợ quân sự cho Philippines. Dù Washington chưa kết luận cụ thể về các hạng mục hỗ trợ, song hệ thống rađa giám sát là một phần trong gói hỗ trợ này. Báo Inquirer Daily cho biết trước đó ông Aquino đã đề nghị Mỹ hỗ trợ hệ thống rađa, máy bay tuần tra và tàu hải quân. Báo Washington Post cũng cho biết ông Aquino còn đề nghị Mỹ đưa máy bay do thám như P-3C Orion và Global Hawk đến biển Đông để giúp Manila giám sát dọc bờ biển.
Dấu hiệu của cam kết lâu dài
Trước đó, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Cecil Haney tái khẳng định hải quân Mỹ sẽ điều động các tàu chiến và máy bay hiện đại nhất tới châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó có tàu chiến gần bờ có thể hoạt động tại các vùng nước cạn. Các tàu chiến này sẽ được triển khai tại Singapore trong năm 2013. Ngoài ra là một số phi đội máy bay EA-18G và tàu ngầm lớp Virginia hiện đại.
Giới chuyên gia quân sự nhấn mạnh kế hoạch hỗ trợ Philippines cho thấy chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng hơn. “Hệ thống rađa triển khai trên đất liền là cách Mỹ vừa tăng cường khả năng quốc phòng của Philippines, vừa đưa ra tín hiệu khẳng định một cam kết dài lâu của Washington tại châu Á” – AFP dẫn lời Patrick Cronin, cố vấn cấp cao của Trung tâm châu Á vì an ninh Mỹ ở Washington, cho biết.
Từ sau cuộc xung đột với Manila tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đến nay vẫn chưa tỏ dấu hiệu gì là sẽ nhân nhượng. Tân Hoa xã đưa tin hôm 12-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của các tàu ở bãi cạn Scarborough nhằm “thực hiện nhiệm vụ canh gác dựa trên yêu cầu thực thi pháp luật, quản lý và dịch vụ tại khu vực”.
Theo chuyên gia Cronin, có khả năng Trung Quốc sẽ tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng trước thềm Hội nghị ASEAN vào tháng tới mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đại diện Mỹ tham dự. Nhưng cũng có khả năng Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép lên Manila. Khi đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ sớm cung cấp máy bay cho Philippines như ông Aquino đề nghị.
Chiến tranh lạnh về “công nghệ quân sự “
Lúc này, giữa Mỹ và Trung Quốc lại đang diễn ra một cuộc chiến tranh lạnh liên quan đến công nghệ quân sự. Giữa tháng 5-2011, trang tin quan sát an ninh Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (MSDF) đã phát hiện một hạm đội tàu khu trục của Trung Quốc đang thao dượt cùng máy bay không người lái (UAV) do nước này sản xuất, ở cách đảo Okinotorishima khoảng 700km về phía đông. MSDF mô tả những chiếc UAV có hình dáng giống chiếc Camcopter S-100 của Công ty Schiebel (Áo), được triển lãm ở Bắc Kinh năm 2011. Trước đó, ít nhất hai mẫu UAV của Trung Quốc là Pterodactyl và BZK-005 là bản sao gần giống của chiếc Predator và Global Hawk của Mỹ.
Sự kiện này cho thấy một bước tiến cực nhanh của Trung Quốc trong công nghệ UAV. Báo Le Monde ngày 12-6 cho rằng giờ đây câu hỏi đặt ra không phải là Trung Quốc có đang cải tiến hay không mà xác định một lằn ranh cho công nghệ quân sự để ngăn chặn Trung Quốc. Bởi từ lâu, những cải tiến quan trọng của Trung Quốc (hàng không vũ trụ, tin học, Internet) đều có xuất xứ từ các phức hợp công nghiệp – quân sự của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ.
Chuyên gia an ninh tại Phòng nghiên cứu AlienVault khẳng định bằng chứng rõ nhất là việc tin tặc Trung Quốc đã tấn công liên tục vào các trang web của chính quyền liên bang, các nhà thầu quân sự của Mỹ để lấy cắp các dữ liệu về chiến lược UAV của Bộ Quốc phòng Mỹ và hàng loạt thông tin về kỹ thuật quân sự khác.
Báo cáo hằng năm của Lầu Năm Góc, được công bố ngày 18-5, đã cảnh báo việc Bắc Kinh ăn cắp thông tin liên quan đến những công nghệ hàng đầu của phương Tây, nhất là của Mỹ. Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho biết Bắc Kinh áp dụng chiến thuật “năng nhặt chặt bị” trong việc thu thập thông tin kỹ thuật quân sự của Mỹ từ hàng ngàn Hoa kiều đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Theo New York Times, Mỹ ắt hẳn chưa quên vụ án gia đình kỹ sư Chi Mak tuồn tài liệu về hệ thống tàu chiến đấu Aegis của Mỹ cho Trung Quốc sản xuất tàu khu trục Lan Châu. Thậm chí, Lầu Năm Góc còn nghi ngờ máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc cũng đang là những sản phẩm ăn cắp công nghệ từ nước ngoài.
Theo TNO
Bình luận (0)