Ngày càng nhiều trường công lập và cao đẳng ở Mỹ đang tiến tới cấm học sinh, sinh viên sử dụng ứng dụng TikTok – ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến do Trung Quốc sở hữu cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn.
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã làm dấy lên lo ngại về an ninh mạng và an toàn trực tuyến. Ảnh: GettyImages
Các trường học đang đi theo sự dẫn dắt của Chính phủ liên bang và một số tiểu bang đang cấm sử dụng ứng dụng mạng xã hội này vì các nhà chức trách tin rằng các chính phủ nước ngoài – cụ thể là Trung Quốc – có thể sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ. Ứng dụng được tạo bởi Công ty công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc và có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.
Đại học Oklahoma, Đại học Auburn ở Alabama và 26 trường đại học và cao đẳng công lập ở bang Georgia đã cấm ứng dụng này khỏi mạng wifi của trường. Thống đốc Montana đã yêu cầu hệ thống đại học của bang cấm học sinh sử dụng TikTok.
Một số trường K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12) cũng đã chặn ứng dụng này. Các trường công lập ở các quận Stafford, Prince William và Loudoun của bang Virginia đã cấm TikTok trên các thiết bị do trường cấp và mạng wifi của trường. Giám đốc giáo dục của bang Louisiana đã khuyến nghị các trường học trong bang xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị công cộng và chặn ứng dụng này trên các thiết bị do trường cấp.
Là một nhà nghiên cứu chuyên về an ninh mạng, tôi không tin rằng các trường học này đang phản ứng thái quá. TikTok thu thập dữ liệu người dùng theo cách tích cực hơn các ứng dụng khác.
Phiên bản TikTok gây ra tất cả những lo ngại này không có sẵn ở Trung Quốc. Trong nỗ lực bảo vệ sinh viên Trung Quốc khỏi tác hại của mạng xã hội, Trung Quốc đã ban hành quy định giới hạn thời gian sinh viên có thể dành cho TikTok xuống còn 40 phút mỗi ngày. Và họ chỉ có thể xem các video có chủ đề yêu nước hoặc nội dung giáo dục như thí nghiệm khoa học và triển lãm bảo tàng.
Chiến thuật nắm bắt và thu thập dữ liệu người dùng
Tất cả các nền tảng truyền thông xã hội lớn đều gây lo ngại về quyền riêng tư và bao gồm các rủi ro bảo mật cho người dùng.
Nhưng TikTok lại khác. TikTok cài đặt quyền riêng tư mặc định của nó cho phép ứng dụng thu thập nhiều thông tin hơn mức mà ứng dụng cần để thực sự hoạt động.
Mỗi giờ, ứng dụng truy cập danh sách liên hệ và lịch của người dùng. Nó cũng thu thập vị trí của các thiết bị được sử dụng để truy cập dịch vụ và có thể quét các ổ cứng được gắn vào bất kỳ thiết bị nào trong số đó.
Nếu người dùng thay đổi cài đặt quyền riêng tư để tránh sự giám sát đó, thì ứng dụng sẽ liên tục yêu cầu khôi phục quyền đó. Các ứng dụng mạng xã hội khác, như Facebook, không yêu cầu người dùng sửa đổi cài đặt quyền riêng tư nếu họ khóa thông tin của họ.
Cách TikTok xử lý dữ liệu mà nó thu thập từ người dùng cũng gây lo ngại. Chẳng hạn, cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu của Ireland đang điều tra khả năng chuyển đổi bất hợp pháp dữ liệu của công dân châu Âu sang máy chủ Trung Quốc và khả năng vi phạm các quy tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Lỗ hổng an ninh mạng
Cũng như các dịch vụ truyền thông xã hội khác, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các lỗ hổng nghiêm trọng với TikTok.
Một số trường K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12) ở Mỹ cũng đã cấm học sinh, sinh viên sử dụng TikTok. Ảnh: GettyImages
Vào năm 2020, Công ty an ninh mạng Check Point phát hiện ra rằng họ có thể gửi cho người dùng những tin nhắn có vẻ như đến từ TikTok nhưng thực chất lại chứa các liên kết độc hại. Khi người dùng nhấp vào các liên kết đó, các nhà nghiên cứu của Check Point có thể giành quyền kiểm soát tài khoản TikTok của họ, truy cập vào thông tin cá nhân, xóa nội dung hiện có và thậm chí đăng tài liệu mới trong tài khoản của người dùng đó.
Tin tặc cũng đã lợi dụng xu hướng lan truyền của TikTok để phát tán phần mềm độc hại gây thêm các vấn đề về an ninh mạng. Chẳng hạn, một xu hướng có tên “Thử thách vô hình” đã khuyến khích người dùng sử dụng bộ lọc TikTok có tên “Cơ thể vô hình” để tự quay phim khỏa thân – đảm bảo với người dùng rằng những người theo dõi họ sẽ chỉ nhìn thấy hình ảnh mờ chứ không phải bất cứ điều gì lộ liễu.
Tội phạm mạng đã tạo các video TikTok tuyên bố rằng họ đã tạo ra phần mềm có thể tiết lộ cơ thể khỏa thân của người dùng bằng cách đảo ngược bộ lọc che cơ thể. Nhưng phần mềm mà họ khuyến khích người dùng tải xuống thực sự chỉ đánh cắp thông tin đăng nhập mạng xã hội, thẻ tín dụng và tiền điện tử của mọi người từ nơi khác trên điện thoại của họ, cũng như các tệp từ máy tính của nạn nhân.
Lo ngại an ninh quốc gia
Nhiều nhà lập pháp Mỹ đã phản đối các dịch vụ theo dõi vị trí của ứng dụng, họ cho rằng nó có thể cho phép Chính phủ Trung Quốc theo dõi các chuyển động và vị trí của công dân Hoa Kỳ – bao gồm cả các thành viên của quân đội hoặc các quan chức Chính phủ.
Nếu Chính phủ Trung Quốc muốn có thông tin về hơn 90 triệu người dùng TikTok, thì họ không cần phải hack bất cứ thứ gì.
Đó là vì Luật Tình báo quốc gia năm 2017 của Trung Quốc yêu cầu các công ty Trung Quốc chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào họ thu thập được nếu chính phủ yêu cầu.
Các nhà quan sát ngành công nghệ cũng đưa ra lo ngại rằng Công ty ByteDance, công ty sản xuất TikTok, có thể thuộc sở hữu một phần của Chính phủ Trung Quốc.
Tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực?
Giáo viên và trường học đã sử dụng TikTok theo một số cách thú vị và hữu ích – chẳng hạn như kết nối với học sinh, xây dựng mối quan hệ, dạy về những rủi ro của mạng xã hội và đưa ra những bài học nhỏ, nhanh chóng.
Nhưng không rõ liệu những tác động tích cực đó có cân bằng với tác hại tiềm ẩn và thực tế hay không. Ngoài những lo ngại chung về nguy cơ nghiện mạng xã hội có thể xảy ra, một số quan chức nhà trường cho biết việc sử dụng TikTok ngày càng tăng đã khiến học sinh mất tập trung chú ý đến giáo viên.
Ngoài ra, thuật toán đề xuất video nên xem tiếp theo của ứng dụng đã làm tăng nguy cơ tự tử và rối loạn ăn uống của học sinh. “Thử thách một con chip”, yêu cầu người dùng TikTok ăn một con chip có chứa hai loại ớt cay nhất thế giới, đã khiến một số học sinh phải nhập viện và khiến những học sinh khác bị bệnh.
Các video TikTok cũng đã khiến học sinh tham gia vào hành vi phá hoại. Để tham gia một thử thách lan truyền, một số học sinh đã lấy trộm bồn rửa trong phòng tắm và hộp đựng xà phòng ở trường học.
Với tất cả những khả năng gây hại và thiệt hại đó, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức nhà trường ở Mỹ đang xem xét lệnh cấm đối với TikTok.
Thủy Phạm
(Theo TheConversation)
Bình luận (0)