Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Học sinh “nghèo” kiến thức lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Rất ít học sinh Mỹ thể hiện tốt kiến thức lịch sử
Dưới 10% học sinh lớp 4 không lý giải được tại sao Abraham Lincoln lại là nhân vật lịch sử. Chưa đầy 1/3 học sinh lớp 8 có thể phân tích lợi thế quan trọng của quân đội Mỹ so với Anh trong cuộc cách mạng giành độc lập. Phần lớn học sinh lớp 12 không trả lời nổi câu hỏi vì sao Mỹ tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất?…
Đó là những kết quả đáng báo động về kiến thức lịch sử của học sinh Mỹ, thể hiện qua kết quả khảo sát trong chương trình Đánh giá tiến bộ giáo dục quốc gia vào năm 2010. Bộ Giáo dục Mỹ cho biết có 7.000 học sinh lớp 4, 11.800 học sinh lớp 8 và 12.400 học sinh lớp 12 trên toàn quốc tham gia vào kỳ đánh giá này. Lịch sử là một trong số 8 môn khác được kiểm tra, bên cạnh toán, đọc hiểu, khoa học, viết, công dân, địa lý và kinh tế. Ủy ban Giám sát chương trình chia ra định mức phải đạt của bài thi thành 3 cấp: cơ bản, thành thạo và vượt trội. Đợt khảo sát gần nhất được thực hiện là vào năm 2006.
Trong bài kiểm tra lịch sử năm 2010, số học sinh đạt mức “thành thạo” trở lên của nhóm học sinh lớp 4 là 20% so với 18% từ kết quả năm 2006, học sinh lớp 8 vẫn giữ nguyên mức 17%, và giảm từ 13% xuống còn 12% đối với học sinh lớp 12. Bà Diane Ravitch – một giáo viên lịch sử được mời tham gia vào Ủy ban Đánh giá kết quả trong cuộc khảo sát trên bày tỏ sự buồn phiền vì chỉ có 2% học sinh lớp 12 trả lời đúng câu hỏi về phán quyết xóa bỏ phân biệt màu da trong các trường công lập Mỹ, mà theo bà đó là một trong những quyết định quan trọng của Tòa án Tối cao Mỹ cách đây bảy thập kỷ. “Quả là đáng báo động”, bà nói. Nhìn về mặt tổng thể các môn, chỉ có 20% học sinh lớp 4, 17% học sinh lớp 8 và 12% học sinh phổ thông cuối cấp thể hiện sự hiểu biết về lịch sử khá tốt và đồng đều. Thế nhưng, ngược lại với kết quả của môn lịch sử, kinh tế học là môn mà các học sinh thể hiện tốt nhất. Ở cuộc khảo sát năm 2006, có đến 42% học sinh lớp 12 đạt kết quả ở mức “thành thạo” trong bài kiểm tra môn này, đó là một tỉ lệ kỉ lục tính đến thời điểm này tại Mỹ.
Những chuyên gia lịch sử cho biết số liệu nói trên đã phản ánh hậu quả của việc bỏ bê môn lịch sử trong giảng dạy tại Mỹ. Đặc biệt từ khi Đạo luật “Không trẻ nào bị bỏ rơi” có hiệu lực từ năm 2002 thì các trường học tại nước này hầu như chỉ tập trung vào những môn như toán học và đọc hiểu. Cũng vì lý do trên mà ngay cả các giáo viên cũng đã “cắt xén” thời gian giảng dạy sử học. Bên cạnh đó, một số chương trình nhằm nâng cao kiến thức dành cho giáo viên cũng góp phần vào tình trạng này, khi mà các giáo viên chỉ được cổ xúy cho việc học thêm về các ngành nghiên cứu xã hội mà không có lịch sử. Mục đích của đợt khảo sát là nhằm kiểm tra tính hiệu quả của việc giảm giờ dạy môn lịch sử và một số môn học khác như khoa học và nghệ thuật. Bà Sue Blanchette – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội quốc gia nói: “Mỗi người sẽ tham gia vào cuộc sống bằng các việc làm đời thường như đóng thuế hay đi bỏ phiếu bầu cử… Chúng ta phải dạy các em cách tư duy phản biện về những vấn đề này. Nhưng hiện nay chúng ta đã không làm được như thế khi mà lịch sử quá bị coi nhẹ trong giảng dạy”. Bà Blanchette và các cộng sự mong muốn những đợt kiểm tra lịch sử toàn quốc phải được thực hiện hai năm một lần như các môn toán và đọc hiểu, chứ không phải tới bốn năm. Bởi lịch sử không đơn thuần là biết về ngày tháng các sự kiện mà đó còn là sự hiểu biết về khái niệm và lý thuyết để lý giải chúng ta là ai. Có kiến thức về lịch sử là dấu hiệu của một người có giáo dục và am hiểu hơn nơi mình sinh sống và làm việc.
(Theo Muncie Star Press)
Gia Hân

Bình luận (0)