Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Hướng học sinh vào trường chuyên nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Mỹ sau khi học hết phổ thông sẽ được hướng vào các trường chuyên nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Hiện nay ở Mỹ, học sinh học hết phổ thông cảm thấy lúng túng trước “ngã ba đường”: Học nghề để mau ra trường kiếm sống (vì không có điều kiện kinh tế), hoặc thi vào các trường ĐH mình ưa thích hay nghỉ hẳn luôn để kiếm việc làm ngay.
Trong mọi cuộc thảo luận về “ĐH và việc làm”, người ta thường đi sâu vào mảng đề tài ĐH, xem đó là chìa khóa của tiến bộ xã hội. Nhưng trước thực tế cuộc sống, nhiều nhà giáo dục khuyến cáo: Hãy chú ý nhiều hơn đến vấn đề nghề nghiệp và việc làm của thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông. Và họ đặt vấn đề: Liệu cái bằng ĐH sau bốn năm học có phải là cái đích phải đạt đến bằng mọi giá của thanh niên không? Có thiết thực không? Có con đường nào khác để thanh niên vào đời một cách tự tin vì có những trang bị chuyên môn thích hợp không?
Vừa qua, một bản báo cáo có tên “Con đường dẫn đến sung túc” của ĐH Harvard khẳng định: Khẩu hiệu “ĐH cho mọi người” có thể làm hại một số thanh niên, vì nó ngăn cản họ bước qua một cách nhẹ nhàng từ tuổi vị thành niên lên tuổi trưởng thành và sau đó là làm hại cho nghề nghiệp của họ sau này. Rõ ràng hệ thống giáo dục của Mỹ được xem là chuẩn bị cho thanh niên đi vào sản xuất và mang lại sự sung túc đã không được định hướng và điều hành tốt.
Dù đã có quá nhiều bài viết về tầm quan trọng của bậc ĐH và nguyện vọng thiết tha của đa số thanh niên được học ĐH, nhưng trên thực tế chỉ có 30% người Mỹ cầm được mảnh bằng ĐH trước 25 tuổi; trong khi đó có 10% chỉ lấy được “chứng chỉ 2 năm”, tương đương CĐ.
Ông Robert Schwartz, người lãnh đạo đề án “Con đường chắc chắn dẫn đến giàu sang” ở Graduate School của ĐH Harvard nói: “Sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta có một hệ thống song song dành cho những sinh viên không lấy được bằng ĐH. Nhưng thật đáng tiếc, chúng ta là nước công nghiệp duy nhất trên thế giới không có một hệ thống nào khác, trong khi đó lại đẩy hết lên trên cho giáo dục ĐH”.
Mỹ có thể học tập các nước khác, đặc biệt là các nước Bắc Âu. Theo lời ông Schwartz, ở Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ… có từ 40% đến 70% học sinh trung học kết hợp việc học ở trường với học ở nhà máy theo một hợp đồng giữa nhà trường và nhà máy. Những kiến thức, thao tác, kỹ năng học ở nhà máy rất cần thiết và phù hợp với những gì mà thị trường việc làm đòi hỏi sau này.
Ông Robert Schwartz nói thẳng rằng ở Mỹ người ta có nhận thức không đúng về giáo dục chuyên nghiệp, và trên thực tế nó bị nhiều tai tiếng như tổ chức kém, chất lượng kém. Giáo dục chuyên nghiệp đâu có phải là nơi nương thân của học sinh con nhà nghèo hay “những phế phẩm” của nền giáo dục phổ thông! Ông cũng không đồng tình với hệ thống giáo dục của Đức và Thụy Sĩ, nơi mà những học sinh học kém thường được hướng dẫn đi vào trường chuyên nghiệp ngay từ bậc phổ thông.
Ở Phần Lan, một nước trong OCDE, thành quả học tập không do thu nhập của cha mẹ quyết định, 43% thanh niên ngay từ 16 tuổi đã theo một chương trình ba năm kết hợp giáo dục phổ thông với học nghề. Tuy nhiên, các em vẫn có khả năng tiếp tục học ĐH sau này hoàn toàn thuận lợi.
Một bất cập nữa là phần lớn công trình nghiên cứu về giáo dục lâu nay được dành cho ĐH nhiều hơn là cho công tác đào tạo nghề. Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định rằng ông muốn đưa Mỹ lên hàng đầu thế giới về tỷ lệ số bằng ĐH được cấp từ nay đến năm 2020. Trong bài diễn văn về “Tình hình Liên bang”, ông nói: “Muốn có tính cạnh tranh, giáo dục bậc cao phải nằm trong tầm tay của mọi công dân Mỹ”.
Bản báo cáo của ông Schwartz cũng nhấn mạnh rằng không nhất thiết đồng nhất giáo dục bậc cao với bằng ĐH. Một nghiên cứu của ĐH Georgestown dự kiến rằng trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2018, Mỹ sẽ tạo ra 14 triệu việc làm trong những nghề được đánh giá là trung bình như thợ điện, trợ lý pháp luật – những công việc mà chỉ cần một chứng chỉ trung cấp cũng có thể đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.
Thực hiện điều đó đòi hỏi một sự cải tổ sâu xa hệ thống giáo dục. Một thực tế là cho đến lúc này, người ta không chỉ rõ được cho giới trẻ mối liên hệ giữa cái chúng đang học với xu hướng nghề nghiệp sau này. Mặt khác những nhà tuyển dụng cũng phải tham gia góp phần nhiều hơn, bằng cách chấp nhận và khuyến khích những kỳ thực tập hay là những cuộc tham quan nhà máy của học sinh. Và sinh viên phải có điều kiện nhiều hơn để phát huy những khả năng đa dạng rất cần thiết cho họ trên thị trường việc làm, có thể qua trung gian của một đề án tập thể, theo lời giải thích của Ronald Ferguson, đồng tác giả của bản báo cáo.
Phan Thanh Quang
 (theo Courrier international)

Bình luận (0)