“Mỹ không phải là một bên trong cuộc xung đột này”, bà Donfried nói trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. “Mỹ đang hỗ trợ an ninh và vũ khí cho Ukraine, nhưng sẽ không có chuyện chúng tôi cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine".
Thượng nghị sĩ Ed Markey (đảng Dân chủ) thúc ép bà Donfried khẳng định công khai rằng Mỹ “không muốn gây ra mối đe dọa hiện hữu” đối với Nga, và sẽ không phải là bên đầu tiên khai hỏa vũ khí hạt nhân. Nhưng bà Donfried không trực tiếp trả lời câu hỏi của nghị sĩ Markey. Thay vào đó bà nhấn mạnh rằng Mỹ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, do đó không gây chiến với Nga.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo phương Tây rằng việc các nước này tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine có nguy cơ làm bùng phát xung đột giữa Mátxcơva với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.
“Các nước NATO đưa vũ khí vào Ukraine, huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng thiết bị của phương Tây, điều lính đánh thuê đến chiến trường, và tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới của chúng tôi. Những việc này làm gia tăng khả năng bùng phát xung đột trực tiếp và công khai giữa Nga và NATO”, ông Medvedev viết.
“Một cuộc xung đột như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện", ông Medvedev nhấn mạnh. "Đây sẽ là một thảm kịch cho tất cả mọi người".
Nga và Mỹ hiện là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga có khoảng 6.257 đầu đạn hạt nhân trong khi 3 cường quốc hạt nhân của NATO – Mỹ, Anh và Pháp – có khoảng 6.065 đầu đạn cộng lại.
Mỹ, trong khi đó, tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân của nước này được sử dụng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có thể được xem xét trong "những trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ, cùng các đồng minh và đối tác.
Bình luận (0)