Ngày 1.8, Mỹ chính thức khởi động dự án hợp tác kéo dài 5 năm với 3 trường ĐH lớn của Việt Nam, với ngân sách 14,2 triệu USD. 3 trường ĐH được hưởng dự án là 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng.
Chiều nay 1.8, tại Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì lễ ra mắt chính thức dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER).
Đây là dự án do Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Hợp tác phát triển Mỹ (USAID) tài trợ và giao ĐH Indiana (Mỹ) triển khai. Dự án được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố tháng 8.2021.
Ngân sách dành cho dự án là 14,2 triệu USD.
Mỹ chính thức khởi động dự án 14,2 triệu USD giúp các ĐH lớn ở Việt Nam. NGỌC DIỆP
Mang lại lợi ích cho hơn 200.000 sinh viên
Sự kiện của có sự tham dự của ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Phía Việt Nam, ngoài 3 ĐH hưởng lợi dự án, còn có đại diện lãnh đạo các Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN.
Theo Đại sứ Mỹ Marc Knapper, phía Mỹ kỳ vọng ĐH Indiana sẽ giúp 3 ĐH lớn hàng đầu Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, giúp 3 ĐH trở thành các hình mẫu của nền giáo dục ĐH hiện đại tại Việt Nam.
Mỹ cũng kỳ vọng dự án hợp tác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc mang lại lợi ích cho hơn 200.000 sinh viên và trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh.
“Mỹ cam kết là đối tác trong việc hỗ trợ sự thành công và bền vững lâu dài của các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam. Thông qua dự án hợp tác này, chúng ta sẽ chung tay cải thiện chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường của hệ thống giáo dục ĐH nhằm thúc đẩy tăng trưởng lâu dài”, Đại sứ Marc Knapper phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại buổi lễ, GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng mục tiêu dự án là tham vọng nhưng khả thi, sát thực và hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển của 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng.
“Tôi tin rằng mỗi ĐH và mỗi cá nhân tham gia dự án sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để trở nên chủ động và hiệu quả hơn, qua đó có những đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH nước nhà”, GS Lê Quân nói.
4 trụ cột nâng cao chất lượng giáo dục ĐH
Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, dự án PHER là sản phẩm của quá trình tham vấn sâu rộng giữa USAID, 3 ĐH hưởng lợi dự án cùng với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN, ĐH Indiana và Ngân hàng Thế giới.
Các đối tác công nghiệp trong quá trình thực hiện dự án gồm ĐH Purdue, Công ty Amazon Web Services, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và nhiều bên khác.
Dự án sẽ hỗ trợ để các ĐH đối tác đạt được 3 mục tiêu: tăng cường bền vững tài chính và tự chủ; cải thiện chất lượng giáo dục và nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động chính của dự án sẽ giúp tăng cường năng lực quản trị và hệ thống tài chính tại các trường, hỗ trợ đào tạo giảng viên về thiết kế các khóa học hiện đại, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và các cơ chế khuyến khích hợp tác mạnh mẽ giữa các trường ĐH và khu vực tư nhân.
Bốn trụ cột của dự án bao gồm: đổi mới quản trị ĐH; nâng cao chất lượng giảng dạy; tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết ĐH – doanh nghiệp. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.
Cụ thể, PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để 3 ĐH triển khai một số phương pháp đào tạo giúp cho sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống.
Ngoài ra, dự án sẽ cùng 3 ĐH hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa ĐH – doanh nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các ĐH chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội.
Cuối cùng, PHER hỗ trợ các ĐH trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo ĐH trên thế giới.
Vì sao có dự án PHER?
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý đầu tư cho lĩnh vực giáo dục ĐH của Việt Nam thông qua một khoản hỗ trợ phát triển chính thức do Ngân hàng Thế giới tài trợ trị giá 295 triệu USD cho dự án “Phát triển các ĐH Việt Nam” (VUDP).
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực quản trị, đào tạo và nghiên cứu tại 3 ĐH lớn hàng đầu cả nước là 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng.
Với các cam kết đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, mua sắm trang thiết bị và chuyển giao tri thức, dự án VUDP sẽ hỗ trợ đưa 3 ĐH nói trên trở thành các ĐH có sức cạnh tranh tốt trong khu vực với trình độ giảng dạy tiên tiến và khả năng nghiên cứu xuất sắc.
Tuy nhiên, để dự án VUDP đạt được các kết quả tối ưu nhất thì cần có thêm các hợp phần hỗ trợ kỹ thuật. Vì thế, dự án PHER (Partnership for Higher Education Reform) ra đời.
PHER sẽ hỗ trợ 3 ĐH phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)