Chính phủ Mỹ kiên quyết từ chối cấp thị thực cho tân Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Hamid Aboutalebi với lý do quan chức này có liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran năm 1979.
Phát biểu trước báo giới ngày 15/4 tại thủ đô Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ việc Mỹ cấp thị thực cho một quan chức ngoại giao Iran từng thừa nhận có liên quan tới vụ chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Tehran cách đây 35 năm là điều "không thể chấp nhận được."
Bà Psaki nhấn mạnh Mỹ kiên quyết giữ lập trường trong vấn đề này.
Tân Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Hamid Aboutalebi. (Nguồn: topnews.in)
Trước đó, nhằm gia tăng sức ép đối với Mỹ tại Liên hợp quốc, Iran đã yêu cầu Ủy ban Liên hợp quốc về quan hệ với nước chủ nhà (CRHC) tiến hành cuộc họp đặc biệt.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của đại diện Liên hợp quốc tại cuộc họp báo ngày 15/4 cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nhận được Công hàm của Đại biện lâm thời Phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc Hossein Dehghani và nhóm cố vấn pháp lý của Liên hợp quốc sẽ làm việc với Phái đoàn Iran vào cuối ngày.
Ngoài ra, CRHC cũng đã sắp xếp cuộc gặp theo đề nghị của phía Iran vào ngày 22/4.
Trong thông cáo báo chí của Phái đoàn Iran gửi các cơ quan báo chí tại Liên hợp quốc cùng ngày 14/4, ông Hossein Dehghani cho biết Iran hết sức quan ngại trước việc từ chối cấp thị thực của nước chủ nhà, đồng thời khẳng định việc làm này đã vi phạm những cam kết của Mỹ theo luật quốc tế và thỏa thuận với Liên hợp quốc.
Cách hành xử đó thực tế đã có những tác động tiêu cực đối với nền ngoại giao đa phương và sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc của các tổ chức liên chính phủ cũng như hoạt động của các quốc gia thành viên.
Trước đó, ngày 11/4, Nhà Trắng chính thức bác bỏ việc cấp thị thực cho Đại sứ mới được bổ nhiệm của Iran tại Liên hợp quốc.
Giới chức Mỹ tuyên bố họ có quyền hợp pháp từ chối cấp thị thực cho những đối tượng mà họ cho rằng có thể tạo ra mối đe dọa đối với an ninh Mỹ, bất chấp trách nhiệm của mình trong thỏa thuận về việc đặt trụ sở chính với Liên hợp quốc năm 1947.
Thỏa thuận đó bắt buộc Mỹ phải cho phép các đại diện ngoại giao của tất cả các nước thành viên được hưởng quyền tiếp cận Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ từ chối cấp thị thực cho một đại sứ tại Liên hợp quốc.
Tehran đã lập tức phản ứng lại quyết định của Washington, cho rằng đây là "hành động không thể chấp nhận được" và sẽ đẩy tình hình đến chỗ bế tắc, đi ngược lại những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ "đóng băng."
Tuyên bố phản đối của phái bộ Iran tại Liên hợp quốc khẳng định quyết định này đi ngược lại luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của một nước chủ nhà và quyền của các nước thành viên Liên hợp quốc về việc chỉ định đại diện tại thể chế đa phương này.
Theo thông lệ, do là nước mà Liên hợp quốc đặt trụ sở, Mỹ có nghĩa vụ cấp thị thực cho các nhà ngoại giao nước ngoài tới làm việc tại cơ quan này./.
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)