Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ: Luật mới giúp cựu chiến binh đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Binh sĩ Marco Reininger vừa hoàn thành nghĩa vụ tại Afghanistan. Anh sẽ vào học tại Đại học Columbia (Mỹ) với số tiền trợ cấp học phí lên đến 100.000 USD cho mỗi cựu binh.
Đạo Luật GI hậu -11.9 (GI có nghĩa quân đội Mỹ) vừa được thông qua, vào đúng thời điểm khóa học mùa thu cho các cựu binh của những cuộc chiến mới đây. Đạo luật gợi nhớ lại Luật Giáo dục giúp cựu binh do Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký chỉ hai tuần sau D-Day 1944, nhằm giúp một thế hệ cựu chiến binh mới chuyển đổi cuộc sống.
Aubrey Arcangel, cựu binh Iraq, hiện là sinh viên Đại học City ở New York
Trong thập niên tới, 78 tỷ USD sẽ được chi theo Luật GI mới, là lợi ích giáo dục toàn diện nhất kể từ Thế chiến 2.
Nhiều cựu binh phục vụ từ sau những cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 sẽ được cấp toàn bộ học phí và một số chi phí khác trong 4 năm theo học trường đại học của Nhà nước, như tiền thuê nhà hàng tháng và 1.000 USD để mua sách mỗi năm.
Những người được hưởng tiền còn có thành viên quân dự phòng và bảo vệ đã phục vụ từ 3 tháng trở lên trong quân ngũ. Nếu họ chọn theo học trường tư hay chương trình tốt nghiệp khác, họ có thể nhận trợ cấp từ một trường công trong bang. Khoảng 1.100 trường đang đưa thêm học bổng cho các cựu binh mà VA (Bộ Cựu chiến binh) cho là tương xứng.
Reininger, 25 tuổi, thuộc Vệ binh Quốc gia New York, nói: “Chắc chắn luật hết sức giá trị. Không có nó, tôi chẳng biết mình sẽ làm gì”.
Năm 1947, có tới gần phân nửa sinh viên trong tất cả các trường ở Mỹ là cựu chiến binh. Chương trình tốn 14,5 tỷ USD, và hơn phân nửa trong số 15 triệu cựu binh Thế chiến 2 tham dự một loại hình giáo dục nào đó theo chương trình.
Một trong số họ là TNS Frank Lautenberg, nay 85 tuổi, con của một di dân, đã sang châu Âu tham chiến năm 18 tuổi. Luật GI đã giúp ông đến với Đại học Columbia. Ông nói: “Theo một cách, tôi thậm chí không biết mình sẽ làm gì nếu không đi học. Chân trời bị hạn chế. Tôi không thể nghĩ đến tương lai”. 
Lautenberg ký ngay vào Luật GI mới, do TNS Jim Webb đỡ đầu – ông này là một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, và con trai ông từng tham gia thủy quân lục chiến, tham chiến ở Iraq. 
Webb đã theo học Học viện Hải quân Mỹ trước khi phục vụ trong quân ngũ và Đại học Luật Georgetown sau đó. Ông nói trả tiền để giáo dục gửi tín hiệu về giá trị của việc phục vụ trong quân đội và giúp các cựu binh điều chỉnh nhiều vấn đề.
Ông nói: “Có một kết quả xuôi chiều to lớn về cảm tình tốt đối với người đã phục vụ tổ quốc nếu bạn đối xử tốt với họ”.
Webb nói ông đã thành công trong thuyết phục những đại biểu khác trong Hạ viện về sự cần thiết của Luật GI mới bằng cách chỉ cho thấy nếu xét đến tiền mất giá, cựu binh trong các cuộc chiến hiện nay đang nhận khoảng 15% tiền mà các cựu binh Thế chiến 2 được hưởng.
Aubrey Arcangel, 27 tuổi, một cựu binh Iraq đang theo học Trường City ở New York, nhớ lại việc anh tán gẫu với đồng đội ở Iraq về chuyện tìm công ăn việc làm trong thời buổi suy thoái, và nói với họ về số tiền phúc lợi mới.
Anh kể: “Họ tỏ ra lo ngại khi xuất ngũ và tìm việc làm, và tôi nói với họ: “Nghe đây, Luật GI mới sẽ giúp chúng ta!””.
Luật không phải dễ dàng được thông qua. Một số đại biểu Hạ viện than phiền về số tiền bỏ ra, và Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại nhiều binh sĩ sẽ rời quân ngũ để đến trường. Thêm một điều khoản nữa khiến nhiều người ủng hộ là người trong quân ngũ có thể chuyển tiền phúc lợi này cho vợ hoặc con nếu họ đồng ý phục vụ quân đội thêm 4 năm nữa. 
Ước tính có khoảng 485.000 cựu binh hoặc thành viên gia đình có thể tham gia Luật GI mới trong năm đầu tiên. Hiện đã có 112.000 cựu binh ghi tên, và hy vọng sẽ có hơn 1 triệu cựu binh tiếp tục đáp ứng kêu gọi của VA. Có khoảng 25.000 cựu binh chuyển tiền phúc lợi sang cho gia đình.
Keith M. Wilson, giám đốc dịch vụ giáo dục tại VA, nói các quan chức cơ quan đang làm việc với Hạ viện để tìm giải pháp cho các vấn đề tiềm năng, nhưng cơ quan có cảm giác chung tốt về khả năng thực hiện chương trình.
Wilson nói: “Chắc chắn sẽ xảy ra những điều không như mong đợi. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể học hỏi từ những tình huống này và nhanh chóng sửa đổi để tiếp tục”. 
Các cựu binh từ Iraq và Afghanistan, vốn nồng nhiệt vận động hành lang cho đạo luật, cũng đang thúc đẩy một sửa đổi của cái họ gọi Luật GI. Trong số những sửa đổi, luật giải quyết sự khác biệt về tiền học phí và trợ cấp mới cho các chương trình học nghề. Luật cũng cấp tiền cho những ai sinh sống ở quá xa trường đại học và theo học lớp trên mạng. 
Bob Filner, Chủ tịch Ủy ban Cựu Chiến binh, nói ủy ban sẽ đưa đề nghị sửa đổi vào mùa thu này, và ông hy vọng sẽ được thực thi vào năm tới.
Cựu binh Isaac Pacheco, 27 tuổi, từ Iraq, nói anh rất dễ chịu nhờ có hàng ngàn đô-la giúp anh trả chương trình khóa học tại Đại học Georgetown.
Anh nói: “Các cựu binh thật sự đánh giá cao vốn học tập, nó sẽ giúp họ có kiến thức và dễ kiếm việc làm”.
 Quang Hùng (theo USA Today)

Bình luận (0)