Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Mặt trái của tấm bằng tiến sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Ở nhiều nước trên thế giới, những ai muốn đi vào lĩnh vực nghiên cứu thì phải có bằng tiến sĩ (TS). Bằng TS là “visa” của thế giới nghiên cứu độc lập, là tác phẩm cao nhất của trí tuệ do một nghiên cứu sinh (NCS) tạo ra dưới sự hướng dẫn của một nhà khoa học.
Nhưng có một điểm chung cho tất cả NCS, đó là sự vất vả, cực nhọc. Họ đều than: Chẳng khác nào lao động khổ sai! Tuần làm việc 7 ngày, ngày làm việc 10 giờ, lương rất “bèo” mà tương lai không biết ra sao.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T
Có quá nhiều TS! Dù ai cũng công nhận rằng TS là người có kiến thức thuộc loại hàn lâm nhưng tấm bằng TS lại là trở ngại chính cho vấn đề tìm việc làm. Công tác nghiên cứu chỉ cần một số ít TS có công trình xuất sắc, còn nhu cầu nhân lực cho công việc sản xuất hay dịch vụ lại không cần đến bằng TS. Trong khi đó các chủ xí nghiệp lại than phiền: Các ông TS thiếu kỹ năng giải quyết những yêu cầu thực tế của sản xuất, vì nhà máy đâu phải là phòng thí nghiệm, từ quy luật khoa học đến công nghệ áp dụng quy luật đó còn là một khoảng cách quá xa! Trước kia nhiều giáo sư ĐH chưa có bằng TS, nhưng từ sau Thế chiến thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục ĐH, người ta chọn giáo sư trong những người đã có bằng Đệ tam cấp (tương đương TS). Trường ĐH Mỹ là những trường đầu tiên áp dụng quy chế mới: trong năm 1970, Mỹ chiếm 1/3 số sinh viên và một nửa số TS khoa học và công nghệ của toàn thế giới, trong khi dân số của họ lúc đó chiếm 6% dân số thế giới. Từ năm 1998 đến 2006, số TS do các nước OCDE đào tạo đã tăng 46%, trong khi đó Mỹ chỉ tăng 22%. Ngay như Nhật Bản, nơi mà số thanh niên hàng năm giảm đi, thì cũng tăng số TS lên 46%. Hiện tượng tăng số TS phản ảnh sự phát triển của giáo dục ĐH ngoài Mỹ. Theo ông Richard Freeman, giáo sư kinh tế lao động ở ĐH Harvard, số sinh viên đăng ký ở Mỹ chiếm 12% số sinh viên toàn thế giới.
Các trường ĐH đều phát hiện ra rằng các NCS tạo thành một lớp tay nghề giá rẻ, và sẵn sàng nhận việc. Với lợi thế bằng cấp họ có thể phát triển nghiên cứu, và trong một số nước còn có thể lên lớp giảng dạy với lương thấp.
Trong một tài liệu vừa được công bố, có 100.000 TS đã được phát bằng từ 2005 đến 2009 ở Mỹ, trong khi đó chỉ có 16.000 người được bổ nhiệm. Sử dụng các NCS để phụ trách phần lớn những bài giảng cho cử nhân sẽ giảm bớt được việc làm toàn phần.
Tình hình cũng tương tự trong nghiên cứu. Các NCS và nhà nghiên cứu theo hợp đồng (NNCTHĐ) ngày nay chiếm một phần lớn trong nghiên cứu. Nhưng cũng có lạm phát NNCTHĐ. Ở Canada, 80% các NNCTHĐ lãnh ít nhất khoảng 38.600 USD/ năm, tức là vào cỡ lương trung bình của một người thợ xây dựng. Sự gia tăng của những người làm việc theo hợp đồng này đã tạo ra một trở ngại khác trên đường dẫn đến một chỗ làm ở ĐH: trong một số lĩnh vực, 5 năm làm NNCTHĐ ngày nay là cần thiết để có một chỗ làm cố định toàn phần. Thực ra, tất cả những sinh viên khi thực hiện một đề tài không muốn đi vào con đường hàn lâm mà muốn thành công trong một cơ sở tư nhân, ví dụ như trong nghiên cứu công nghệ. Ở Mỹ chỉ có 57% NCS đạt được bằng TS trong 10 năm sau khi đăng ký. Trong lĩnh vực xã hội, nơi mà đa số phải trả tiền khi chuẩn bị đề án, tỷ lệ đó là 49%. Một nghiên cứu được tiến hành trong một trường ĐH Mỹ cho thấy số người bỏ cuộc không phải là kém thông minh hơn người khác mà là do sự kiểm tra lỏng lẻo, triển vọng chỗ làm tối tăm, thiếu tiền… đã làm cho họ nản chí.
Trong khi đó, một nghiên cứu của OCDE cho biết 5 năm sau khi được cấp bằng, 60% TS ở Slovakia, 45% ở Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức và Tây Ban Nha đều chỉ có việc làm tạm thời. Ở Áo, gần 1/3 những TS thực thụ làm công việc không có liên quan gì đến chuyên môn của mình… Tiền thưởng (do bảo hiểm lao động thưởng cho người nhiều năm không yêu cầu quỹ bảo hiểm chi trả) cho một TS là 26%, còn thạc sĩ là 23%. Trong khi đó ở một số lĩnh vực, lợi ích đó của một TS bị mất hoàn toàn. TS toán, tin học, khoa học xã hội, và ngoại ngữ lãnh lương chỉ ngang bằng thạc sĩ. Và tiền thưởng cho một TS lại ít hơn so với thạc sĩ thuộc về công nghệ, kỹ thuật, kiến trúc và giáo dục. Chỉ có y khoa, khoa học, thương mại và tài chính thì khoảng cách mới đủ quan trọng cho xứng với công học bằng TS. Nhiều sinh viên nói rằng họ lao vào làm luận án TS chỉ vì thấy đề tài hay quá, và chỉ vì ham hiểu biết. Tuy nhiên bằng TS sẽ dẫn họ đến đâu họ cũng không biết. Trong một cuộc nghiên cứu ở Anh, có gần 1/3 nói rằng họ làm luận án TS để kéo dài đời sinh viên và thúc đẩy việc kiếm việc làm.
Ai cũng công nhận kiến thức được truyền từ ĐH ra xã hội sẽ có lợi ích hơn và lành mạnh hơn. Nhưng đứng về phương diện cá nhân, lao vào con đường làm luận án TS có thể là một lựa chọn không hay cho một số người. Cần hết sức tỉnh táo và chín chắn.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)