Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Một số trường tư thục “lừa gạt” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên du học tại Mỹ đang trao đổi bài học. Ảnh: I.T

Hiện nay, các trường ĐH cũng như trường nghề dạy những ngành liên quan đến y tế, điện toán và thực phẩm, số người theo học đã tăng vọt vì mọi người lo ngại về tình trạng thất nghiệp. Do đó, họ sẵn sàng đi vay để học các nghề được cho là có tương lai, dù rằng với chi phí có thể quá 30.000 USD/năm.
Trường không giá trị
Nhiều người nói rằng có quá nhiều trường phóng đại giá trị văn bằng của mình nhằm dụ dỗ những người ước mơ được sáp nhập vào giới trung lưu với mức thu nhập cao, nhưng thực ra là đưa họ vào con đường khó khăn tài chính sau này vì không thể trả các khoản nợ đã vay do chỉ kiếm được công việc có mức lương thấp sau khi ra trường. Đây là những trường chuyên dụ dỗ SV để nộp đơn lấy tiền trợ giúp của Chính phủ, kể cả trợ cấp dành cho SV có lợi tức thấp.
“Nếu các chương trình này tiếp tục tăng trưởng, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng ngày càng có nhiều SV ra trường mà không có việc làm như họ đã được hứa hẹn”, Rafael I. Pardo, giáo sư Trường Đại học Luật Seattle, chuyên gia về vấn đề tài trợ học vấn cảnh báo. “Họ không kiếm đủ tiền để trả nợ và sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính”, ông Rafael I. Pardo nói tiếp.
Theo các chuyên gia giáo dục, các trường nghề do tư nhân thành lập từ trước đến nay đã bị nhiều cáo buộc là họ hứa hẹn quá nhiều mà chẳng giúp SV được bao nhiêu. “Họ đã đưa ra những khẩu hiệu như: Nếu không có bằng đại học, bạn sẽ không kiếm được việc làm”, theo lời Amanda Wallace, người từng làm việc trong văn phòng tài trợ học vấn và thu nhận SV tại chi nhánh của Học viện Công nghiệp (ITT) ở Knoxville Tennessee. Học viện có chi nhánh ở khắp nơi, thường đòi mức học phí lên tới 40.000 USD cho chương trình học hai năm về điện toán và điện tử. Bà Wallace quyết định nghỉ việc ở ITT năm 2008 sau 5 năm làm việc vì không cảm thấy thoải mái với điều bà coi là sự lừa gạt trong việc tuyển sinh, đó là không cho SV biết rằng số tiền họ kiếm được khi ra trường sẽ không đủ để có thể trả lại tiền mượn Chính phủ lúc đi học.
Trong nhiệm vụ tư vấn về tài trợ học vấn, bà Wallace đáng lý ra phải giải thích những điều này cho SV, nhưng nếu nói thật về khả năng kiếm việc và bổn phận trả nợ của SV, bà sẽ bị ban giám đốc trách mắng. “Nếu nói ngược lại những gì người tuyển sinh đã trình bày với SV, họ sẽ dọa cho bạn nghỉ việc. Khi các đại diện của trường đã dụ được SV vào tròng (ký giấy tờ mượn nợ), bạn chỉ cần im lặng là xong”, bà Wallace nói.
Bòn rút tiền trợ giúp học vấn của SV
Học phí trung bình cho trường tư loại này trong năm nay vào khoảng 14.000 USD (theo College Board). Các trường nghề này nói rằng họ đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, đó là cung cấp việc huấn nghệ giúp người ta leo lên các nấc thang kinh tế trong xã hội. “Khi nền kinh tế khó khăn và người ta bị đe dọa là sẽ mất việc, họ phải trông cậy vào giáo dục như con đường thoát thân”, ông Harris N. Miller, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đại diện cho khoảng 1.400 công ty trên toàn quốc, cho biết.
Hai năm trước đây, SV theo học các trường tư thục nhận khoảng 3,2 tỉ USD từ ngân sách dành cho giáo dục của Chính phủ, sang đến năm 2009 và 2010, con số này tăng lên thành 17 tỉ USD được tính vào trong ngân sách kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD của Tổng thống Obama.
Mức thu nhập của các trường tư dựa vào tiền trợ cấp của Chính phủ ngày một gia tăng. Chẳng hạn như nhóm The Apollo, chủ hệ thống Trường Đại học Phoenix, 86% thu nhập của họ lấy từ các nguồn tiền trợ giúp Chính phủ dành cho SV. Hai năm trước đây, con số này chỉ vào khoảng 69%.
Học xong không khá gì hơn
Jeffrey West (21 tuổi) làm việc ở một tiệm bán thực phẩm gần Philadelphia với mức lương khoảng 8 USD/ giờ. Anh ta tình cờ thấy mẩu quảng cáo chương trình học ở Trường WyoTech, một hệ thống do Công ty Corinthian Inc. làm chủ, với mức thương vụ năm ngoái vào khoảng 1,3 tỉ USD. Sau khi West gọi điện thoại cho trường, một nhân viên lái xe đến tận nhà giúp anh điền giấy tờ hồ sơ theo học lớp làm dàn đồng xe và làm nệm. Đây là một chương trình kéo dài chỉ 9 tháng với học phí 30.000 USD. Khoảng 14 tháng sau khi hoàn tất khóa học, West chẳng kiếm được việc gì trong ngành xe hơi. Hiện anh đang làm công việc sửa nhà với mức lương 8 USD/ giờ. Vì phải trả nợ 600 USD/ tháng, West phải làm việc sáu đến bảy ngày một tuần mới có đủ tiền sống.
Nguyên Phan
Theo The New York Times, AP

Bình luận (0)