Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế khu vực châu Mỹ, diễn ra tại Montreal (Canađa), Ủy viên Ban Tài nguyên thiên nhiên bang Alaska (Mỹ), Daniel Sullivan, cho biết Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất khí đốt và dầu mỏ, nhằm thực hiện mục tiêu vượt qua hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Nga và Arập Xêút trong thập niên tới.
Trong quý I/2012, Mỹ đã sản xuất được 6 triệu thùng dầu các loại mỗi ngày, điều mà họ đã không thể thực hiện được trong 15 năm. Kể từ năm 2008, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng thêm 1,6 triệu thùng. Năm 2011, mức tăng sản lượng dầu mỏ của nước này cũng đứng ở mức cao nhất trong các quốc gia nằm ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu khí nhiều nhất thế giới. Ảnh: Internet
Trong khi đó, theo thống kê của Joint Organizations Data Initiative, trong tháng 3/2012, sản lượng dầu mỏ của Arập Xêút, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, vào khoảng 9,923 triệu thùng dầu/ngày; còn của Nga là 9,920 triệu thùng dầu/ngày.
Ông Sullivan cho hay công ty tư vấn có tiếng PFC Energy đã dự báo đến năm 2020 Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất hydrocarbon (dầu mỏ và khí đốt) lớn nhất thế giới. Theo US Geological Survey, chỉ riêng tại Alaska tiềm năng dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi bang này được đánh giá là lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 40 tỷ thùng dầu tiêu chuẩn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định nguồn tài nguyên dầu mỏ ngoài khơi có thể giúp giảm bớt sự gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu và Oasinhtơn đang nỗ lực đưa ra một chiến lược năng lượng, nhằm cân bằng lợi ích giữa kinh doanh và môi trường, đặc biệt là tại Bắc Cực.
Tháng 11/2011, chính quyền Tổng thống Obama đã đề xuất một kế hoạch mới về việc cho thuê các mỏ khí đốt và dầu mỏ ngoài khơi Vịnh Mêhicô và bang Alaska, trong đó có tính đến những yếu tố nhạy cảm về môi trường tại Bắc Cực.
Trà My/Tin Tức
(Theo AFP)
Bình luận (0)