Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ, Nhật, Hàn nâng mức báo động

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàn Quốc nhận định khá chắc chắn Triều Tiên sẽ phóng tên lửa từ ngày 10-4.

Ngày 10-4 là ngày các bên có liên quan đến bán đảo Triều Tiên phập phồng lo sợ bởi CHDCND Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên) đã thông báo từ ngày này sẽ không bảo đảm an ninh cho các đoàn ngoại giao nữa.
Hàn Quốc kêu gọi ASEAN Tại Hàn Quốc, trong cuộc họp ngày 10-4 của Ủy ban Đối ngoại và thống nhất (Quốc hội), Ngoại trưởng Yun Byung-se tường trình: “Theo thông tin tình báo chúng tôi nhận được cùng với Mỹ, xác suất Triều Tiên bắn tên lửa rất cao”.
Ông khẳng định Triều Tiên sẽ bắn tên lửa bất cứ lúc nào kể từ ngày 10-4; tên lửa được bắn sẽ là một loại tên lửa tầm trung Musudan mới với tầm bắn khoảng 3.500 km.
Ông cho biết Hàn Quốc đã tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và Nga để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi thái độ.
Ông thông báo một kênh điều phối cấp cao giữa Hàn Quốc và Mỹ đã đi vào hoạt động. Hàn Quốc cũng đã liên lạc qua điện thoại chặt chẽ với Ngoại trưởng Mohamed Bolkiah của Brunei (nước chủ tịch ASEAN). Hôm 9-4, ông đã kêu gọi ASEAN giữ vai trò tích cực nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực.
Quân đội Hàn Quốc sẵn sàng trả đũa. Pháo binh Hàn Quốc ở khu vực giới tuyến hướng nòng về phía CHDCND Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin bộ chỉ huy hỗn hợp Mỹ-Hàn Quốc đã nâng mức báo động từ cấp ba lên cấp hai. Đây là mức đe dọa sống còn và mức cuối cùng là cấp một đồng nghĩa với chiến tranh.
Yonhap cho biết Bình Nhưỡng có thể bắn nhiều loại tên lửa gồm Scud, Rodong và Musudan. Cơ quan tình báo Hàn Quốc đã phát hiện có dấu hiệu di chuyển của bốn, năm xe chở tên lửa Scud (tầm bắn vài trăm kilomet) và tên lửa Rodong (tầm bắn hơn 1.000 km).
Pháp không sơ tán
Theo hãng tin Reuters, ngày 10-4 tại Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera thông báo Nhật đang trong tình trạng báo động sẵn sàng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên.
Do lo ngại Triều Tiên phóng tên lửa, lúc 11 giờ 19 sáng 10-4, trang Twitter chính thức của TP Yokohama (Nhật) đã đưa tin một tên lửa đã được bắn từ Triều Tiên.
Ngay sau đó, thông tin này đã bị gỡ xuống và trang Twitter của TP Yokohama đã phải xin lỗi. Bản tin này đã được chuẩn bị trước và đã được đưa lên mạng do bất cẩn.
Ngày 9-4 (giờ địa phương), phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Sam Locklear chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương giải thích quân đội Mỹ sẽ chỉ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu tên lửa đó gây nguy hiểm cho các đồng minh của Mỹ hoặc lãnh thổ Mỹ.
Ông khẳng định không khuyến cáo bắn hạ tên lửa không gây đe dọa.
Trong khi đó, báo Le Monde (Pháp) cho biết ngày 9-4 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố chưa dự kiến đưa về nước khoảng 2.000 công dân Pháp ở Hàn Quốc. Bộ cho biết đã thảo luận với Hàn Quốc và các đối tác trước khi đưa ra quyết định trên.
Bộ Ngoại giao Pháp thông báo vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình bán đảo Triều Tiên bởi động thái của Bình Nhưỡng rất khó dự đoán.
Hàn Quốc lập lá chắn riêng
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 10-4 cho biết quân đội Hàn Quốc dự kiến từ nay đến tháng 7 sẽ triển khai hệ thống quốc gia về phòng không và phòng thủ chống tên lửa (KAMD).
Hệ thống KAMD gồm một radar EL/M 2080 Green Pine Block-B do Israel sản xuất, mạng lưới cảnh báo sớm Peace Eye của Mỹ, tàu khu trục Aegis và tên lửa Patriot của Mỹ. Hệ thống sẽ phân tích dữ liệu do vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ cung cấp, sau đó chuyển cho các đơn vị tên lửa Patriot.
Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu thiết kế hệ thống KAMD từ năm 2006 sau khi từ chối tham gia hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ.
Trong khi đó, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) tiết lộ hồi giữa tháng 3, ông Clifford Hart ở Bộ Ngoại giao Mỹ với tư cách đặc phái viên về vòng đàm phán sáu bên đã mật đàm với Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Han Song-ryol. Cuộc mật đàm không dẫn tới kết quả nào.
Phía Mỹ chỉ nhắc lại rằng Triều Tiên nên tránh hành động khiêu khích và Mỹ sẽ trở lại giải pháp ngoại giao nếu Triều Tiên cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc tế và tiếp tục con đường phi hạt nhân hóa.
Các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu cuối cùng cho thấy chính sách dựa trên nguyên tắc “lòng kiên nhẫn chiến thuật” của Mỹ đã bế tắc. Sau cuộc mật đàm, Bình Nhưỡng tiến hành các khiêu khích mới thường xuyên hơn.
● Ngày 10-4, Đồn biên phòng Đan Đông ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã đóng cửa đối với du khách. Các doanh nghiệp vẫn có thể ra vào Triều Tiên qua cửa khẩu này bình thường. Thời gian đóng cửa khẩu chưa rõ kéo dài bao lâu. Lý do đóng cửa khẩu với du khách vì Triều Tiên đã thông báo người nước ngoài nên rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
● Cùng ngày, Cục An ninh mạng của Hàn Quốc công bố báo cáo điều tra cho thấy Tổng vụ Thám sát của Triều Tiên đã tổ chức vụ tấn công mạng máy tính của hai ngân hàng và ba kênh truyền hình Hàn Quốc hôm 20-3. Thời gian chuẩn bị tấn công là tám tháng. Sáu máy tính đã tiến hành 1.590 lượt phát tán mã độc.
DẠ THẢO (PL)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)