Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ nỗ lực lôi kéo các đảo quốc Thái Bình Dương giữa cạnh tranh với Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực mà Washington xem là "sân sau trên biển" kể từ Thế chiến 2.

Mỹ nỗ lực lôi kéo các đảo quốc Thái Bình Dương giữa cạnh tranh với Trung Quốc - ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại Washington DC ngày 28.9. REUTERS

Hội nghị đã bắt đầu hôm 28.9 tại Washington DC và dự kiến diễn ra trong 2 ngày, với sự tham dự của lãnh đạo 12 đảo quốc Thái Bình Dương, đại diện của 2 nước khác, cũng như quan sát viên của Úc và New Zealand, theo Reuters.

Đây là lần đầu tiên Mỹ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo của một khu vực mà nước này coi là sân sau trên biển kể từ Thế chiến 2 nhưng Trung Quốc đang có những bước đi gia tăng ảnh hưởng vững chắc. Một số quốc gia đã lên tiếng về việc bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường.

Các nhà lãnh đạo sẽ tham dự nhiều hoạt động tại Washington DC, bao gồm tại Bộ Ngoại giao, Điện Capitol (trụ sở quốc hội Mỹ), trụ sở Lực lượng Tuần duyên, gặp gỡ doanh nghiệp, cũng như sẽ được Tổng thống Joe Biden đón tiếp tại Nhà Trắng. Washington cũng sẽ công bố một chiến lược mới cho Thái Bình Dương, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên.

Phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hai bên đã nhất trí với "tuyên bố về quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thái Bình Dương". Cầm một tài liệu, ông nói đây là thứ cho thấy Mỹ và Thái Bình Dương có "tầm nhìn chung về tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó".

Theo ông Blinken, tầm nhìn chung "thừa nhận rằng chỉ có cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể thực sự giải quyết những thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta, những thách thức mà tất cả các công dân của chúng ta đang đối mặt".

Ông nêu ra các vấn đề như khủng hoảng khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế, việc thúc đẩy cơ hội kinh tế và duy trì một "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở", nơi mọi quốc gia bất kể quy mô "đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình".

Quần đảo Solomon trước đó đã nói với các quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ không ký vào tuyên bố đang thảo luận, theo một ghi chú mà Reuters nhìn thấy.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ sau khi ông Blinken phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu tuyên bố đã được ký kết hay liệu Solomon đã đồng ý với nó hay chưa, nhưng nói "chúng tôi có khả năng đạt được tiến bộ to lớn".

Hai nguồn tin cho biết họ hiểu rằng văn kiện vẫn chưa được ký kết và không rõ liệu việc này có diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh hay không vì không phải tất cả các nhà lãnh đạo đều có mặt.

Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với Solomon, dẫn đến những cảnh báo từ Mỹ và đồng minh về tình trạng quân sự hóa tại khu vực.

Quan chức Mỹ trả lời phỏng vấn các nhà báo thừa nhận rằng Washington đã không dành sự quan tâm đầy đủ đến Thái Bình Dương trong những năm qua, nhưng đang làm việc với các đồng minh và đối tác để "bổ sung thêm nguồn lực, thêm khả năng và can dự ngoại giao nhiều hơn".

"Chúng tôi sẽ có những con số lớn bằng đô la", quan chức này nói và cho biết thêm rằng một số sáng kiến ​​mới sẽ được công bố trong hai ngày tổ chức hội nghị.

Ngoại trưởng Blinken đã cam kết 4,8 triệu USD cho một chương trình được gọi là "Resilient Blue Economies" (Các nền kinh tế xanh kiên cường), để hỗ trợ ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch bền vững tại Thái Bình Dương.

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)