Cuối năm là dịp các mặt hàng mỹ phẩm được tiêu thụ nhiều. Lợi dụng nhu cầu đó, đối tượng xấu đã bất chấp thủ đoạn để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường, gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng.
Làm đẹp là nhu cầu tất yếu nhưng chị em phụ nữ nên cẩn trọng để tránh “tiền mất tật mang” |
Mỹ phẩm nhái đại hạ giá
Hiện nay, có thể thấy lượng hàng gian, hàng giả tập trung nhiều nhất ở TP.HCM và Hà Nội. Thời điểm cận Tết Nguyên đán là dịp các mặt hàng dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được người dân “săn lùng” nhiều nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm “béo bở” cho các đơn vị sản xuất hàng giả, hàng nhái hoành hành.
Vòng quanh một số khu chợ ở TP.HCM hay nhiều cửa hàng bán mỹ phẩm, biển hiệu các thương hiệu mỹ phẩm danh tiếng thường gắn chữ “Sale off 30-70%”. Mỹ phẩm gắn mác hàng hiệu bày bán la liệt ở các chợ, điểm sắm Tết… Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bán ở các khu chợ vùng ven, chợ sinh viên… với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Có mặt tại một gian hàng mỹ phẩm trong một phiên chợ cuối tuần dành cho giới trẻ ở Q.1, chúng tôi được giới thiệu ngồn ngồn các mặt hàng mỹ phẩm của nhiều thương hiệu danh tiếng như MAC, Dior, L’Oreal, Lancôme, Maybelline, Shiseido… với mức giá rẻ đến bất ngờ. “Cuối năm nên hãng mỹ phẩm nào cũng đều có chương trình giảm giá, khuyến mãi. Gian hàng em có đủ sữa rửa mặt, nước hoa, các loại phấn má, kem dưỡng da, phấn nền, mascara, kem chống nắng… Tất cả đều là hàng “xịn”. Nếu khách hàng mua nhiều sẽ được khuyến mại giảm giá tới 45-55%”, nhân viên một gian hàng đon đả giới thiệu.
Trong vai một khách hàng cần tìm mua kem dưỡng da chống lão hóa, chúng tôi tìm đến một quầy hàng mỹ phẩm trong khu vực chợ Vườn Chuối (Q.3) thì được giới thiệu sản phẩm của một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới nhưng chỉ có mức giá 400.000 đồng/sản phẩm. Khảo mức giá chính thức trên trang web của dòng mỹ phẩm này thì lại có mức giá đến vài triệu đồng/sản phẩm.
Mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ được bày bán ở những cửa hàng lớn, các hội chợ, triển lãm mà còn có thể dễ dàng tìm thấy ở những gian hàng nhỏ không tên cũng bày bán mỹ phẩm la liệt. Đặc biệt, sự phát triển của kinh doanh online, buôn bán mỹ phẩm qua mạng lại càng “nóng” hơn bao giờ. Nếu không tỉnh táo, khách hàng dễ bị “hoa mắt” bởi các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng với giá cao chóng mặt nhưng được rao bán với mức giá chỉ bằng một nửa.
Đừng để “tiền mất tật mang”
Trước tình hình hàng giả tung hoành dịp cuối năm, Bộ Y tế cùng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã có kế hoạch “truy quét” hàng giả trước Tết.
Nhiều trường hợp khách hàng phải ăn “trái đắng” khi mua trúng mỹ phẩm vốn là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng đưa vào các shop biến thành “hàng hiệu” hoặc “hàng xách tay” kinh doanh trên mạng. Một phần vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm mua mỹ phẩm, một phần vì tâm lý sính đồ rẻ, không ít chị em phụ nữ vẫn lựa chọn những sản phẩm này và không tránh khỏi tình trạng “tiền mất tật mang”. |
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, các đoàn kiểm tra liên ngành của 63 tỉnh thành đã kiểm tra 345.106 cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng và phát hiện 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 16,51%. Cơ quan chức năng đã xử lý 13.307 cơ sở, trong đó phạt tiền 8.920 cơ sở với số tiền phạt hơn 26.000 tỉ đồng. 145 cơ sở phải đình chỉ hoạt động, đình chỉ lưu hành 133 loại thực phẩm; 606 cơ sở có nhãn phải khắc phục, 3.260 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.087 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…). Những ngày gần cuối năm, tình trạng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lại càng có chiều hướng gia tăng, nhất là các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Vừa qua, khi kiểm tra kho hàng mỹ phẩm ở TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện hơn 10.000 thùng mỹ phẩm có nguồn gốc từ Mỹ. Tất cả số hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ; nhiều lô hàng hết hạn sử dụng từ lâu. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, đây là kho mỹ phẩm nhập lậu lớn nhất thành phố từ trước đến nay, và có thể được coi là lớn nhất nước cả về số lượng và giá trị. Tất cả số hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ; nhiều lô hàng hết hạn sử dụng từ lâu.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khách hàng phải ăn “trái đắng” khi mua trúng mỹ phẩm vốn là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng đưa vào các shop biến thành “hàng hiệu” hoặc “hàng xách tay” kinh doanh trên mạng. Một phần vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm mua mỹ phẩm, một phần vì tâm lý sính đồ rẻ, không ít chị em phụ nữ vẫn lựa chọn những sản phẩm này và không tránh khỏi tình trạng “tiền mất tật mang”.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)