Giỏ các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân của một em bé dưới sáu tuổi hiện nay trung bình có 12 loại khác nhau. Người có thu nhập kha khá có thể sắm cho con đến hơn 20 loại.
Nhiều không thua gì của người lớn
Tại các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé, các siêu thị… hiện có khoảng 60 loại sản phẩm chăm sóc cơ thể, mỹ phẩm dành cho trẻ em. Ngoài dầu gội, sữa tắm còn có nước hoa, kem thoa làm mềm mượt da, gel thoa da chống côn trùng, kem đánh răng…
Những nơi cung cấp mỹ phẩm cho bé đa dạng và phong phú nhất nằm trên mạng lưới bán hàng ở các trang web như enbac, webtretho, lamchame, raovat, mevabe, sieumua, nhanhgon, webgiadinh, myphamngoclan… với khoảng 250 địa chỉ chuyên cung cấp hàng mỹ phẩm nhập dành cho bé từ Pháp, Mỹ, Đức, Nga cho đến Israel, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật Bản…
Mỹ phẩm cho bé ở những địa chỉ này có từ loại kem thoa toàn thân cho bé trước khi làm các bài tập xoa bóp đến những sản phẩm dùng tắm cho bé. Loại dùng tắm, ngoài thứ có công thức đặc biệt chống cay mắt, còn có loại sữa tắm chứa chất sát trùng và chống viêm da, hoặc dầu tắm tạo ấm cho bé chống cảm lạnh.
Kem bôi da cho bé cũng có hàng chục loại khác nhau như kem thoa toàn thân sau khi tắm để tạo hương thơm, làm ẩm và mượt da bé, kem thoa bảo vệ da khi cho bé ra đường với thành phần có các chất bảo vệ làn da non, nhạy cảm của bé khỏi sự xâm nhập của các tia cực tím. Rồi có cả kem chống khô da do lạnh hoặc gió, thoa da chống nứt nẻ, chống bị khô, thoa da chống hăm tã, chống nổi mẩn đỏ…
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc con bằng thảo mộc thiên nhiên, hạn chế uống thuốc, hoá mỹ phẩm cho bé còn có các loại cây lăn chứa tinh dầu thảo mộc giảm ho, giảm ngạt mũi, tinh dầu xông hơi chống cảm cho bé, dầu gội thảo mộc hương hoa đồng nội… Ngay cả chuyện vệ sinh cho bé gái, có loại nước rửa không chứa chất xà phòng…
Hại nhiều hơn lợi
Bà Nguyễn Thị Hồng My, ngụ ở quận 6, đã bỏ tất cả các loại phấn, kem thoa da đang dùng cho con bà sau khi đưa cháu đi bác sĩ về. Bà kể: “Tôi chẳng hiểu sao bé cứ bị ho, sổ mũi, thỉnh thoảng lại nổi các vết mẩn đỏ trên da. Theo thói quen, cứ hễ bé bị mẩn đỏ tôi lại lấy kem thoa làm dịu da bôi vào nhưng chẳng thấy kết quả gì hết. Đi khám bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng, tôi mới biết bé bị sổ mũi, ho và cả mẩn đỏ là do chính kích ứng từ phấn rôm, từ chất chứa trong kem thoa da có mùi nước hoa”.
Nga, nhà ở Tân Bình dùng kem thoa dưỡng da chuyên dùng cho trẻ em nhập từ Đức cho con gái với hy vọng bé có làn da đẹp. Ngờ đâu Sài Gòn thời tiết nóng không sử dụng kem này được vì chúng làm bít lỗ chân lông, mồ hôi không thoát ra làm bé bị dị ứng.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, bệnh viện Da liễu TPHCM, nói: “Có thể dùng những sản phẩm tẩy rửa cơ bản như dầu gội, sữa tắm cho trẻ, nhưng không nên dùng nhiều các loại mỹ phẩm cho trẻ em. Dù nhà sản xuất có quảng cáo thế nào đi nữa thì mỹ phẩm cho trẻ em vẫn có chứa những chất tạo độ ẩm ướt, chất chống mốc, chất cồn, chất chống nhiễm khuẩn. Những chất này nếu lạm dụng sẽ có những tác hại cho cơ thể trẻ. Ngay cả Vaseline dùng chống khô môi, chống nứt nẻ thì cũng chỉ khi nào da trẻ có dấu hiệu bị khô nứt mới sử dụng”.
Bác sĩ Hoàng cũng chỉ ra những tài liệu khoa học cho thấy chất Propylene Glycol (PG) – chất tạo ẩm ướt ở mỹ phẩm, kích thích mạnh trên da, có thể gây nên những bất thường ở gan và tổn thương thận. Alcohol (chất cồn) có thể gây ra các chứng đau đầu, buồn ngủ, trầm uất, mê sảng… Fragrances (chất tạo hương thơm) – hầu hết dầu gội, kem chống nắng, sữa bảo vệ da và các sản phẩm dành cho trẻ em đều có chất tạo hương tuỳ theo dung lượng, hiện tượng được ghi nhận sau khi dùng là đau đầu, buồn ngủ, da đổi màu, phát ban, ho nhiều và nôn mửa.
Nghiêm trọng hơn, chất tạo thơm tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ra trầm cảm, rối loạn vận động, mất khả năng phản ứng và gây ra những thay đổi hành vi ứng xử khác. Triclosan – chất diệt khuẩn là một tác nhân gây ung thư ở người…
Theo Bích Thủy/HNM
Bee.net.vn
Bình luận (0)