Truyền thông Mỹ tiết lộ chính quyền Mỹ đã chấp nhận yêu cầu của Israel về việc mua số bom dẫn đường Spice trị giá 320 triệu USD, giữa lúc người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cảnh báo Gaza đang biến thành 'mồ chôn trẻ em'.
Theo tường thuật của báo The Wall Street Journal ngày 6.11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31.10 đã gửi thư thông báo chính thức đến các lãnh đạo quốc hội nước này về việc đồng ý cho Israel mua các Tổ hợp Bom lượn Họ Spice (bom Spice), một loại vũ khí dẫn đường chính xác có thể phóng từ máy bay quân sự. Hợp đồng trị giá 320 triệu USD.
Báo The New York Times cho biết thiết bị này có thể biến bom không có dẫn đường thành loại bom có dẫn đường bằng GPS (Hệ thống định vị toàn cầu), tấn công chính xác mục tiêu. Theo tờ báo, Israel đã gửi yêu cầu mua số vũ khí này trước vụ tấn công của Hamas ở Israel hôm 7.10, nhưng cho đến khi đó vẫn chưa nhận được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo kế hoạch được trình bày trong thư gửi quốc hội Mỹ, nhà sản xuất vũ khí Rafael USA tại Mỹ sẽ chuyển số bom này cho công ty mẹ Rafael Advanced Defense Systems (tập đoàn Rafael) của Israel để quân đội nước này sử dụng. Kế hoạch này cũng bao gồm việc cung cấp hỗ trợ, lắp ráp, thử nghiệm và các công nghệ khác liên quan đến việc sử dụng vũ khí.
Thư cũng cho biết tập đoàn Rafael (thuộc Bộ Quốc phòng Israel) trước đó đã từng yêu cầu mua bom Spice từ Mỹ với hợp đồng trị giá gần 403 triệu USD. Yêu cầu đó đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận vào tháng 2 năm nay.
Bom Spice được gắn lên cách máy bay. CÔNG TY RAFAEL
Theo The New York Times, Israel đã sử dụng bom Spice trong chiến dịch bắn phá ở Gaza bắt đầu cách đây một tháng. Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 10.000 người Palestine thiệt mạng tại lãnh thổ này, 40% trong số đó là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Tiết lộ của truyền thông Mỹ xuất hiện cùng với lời cảnh báo của Liên Hiệp Quốc rằng Gaza đang biến thành "mồ chôn trẻ em". "Gaza đang trở thành nghĩa địa cho trẻ em. Hàng trăm bé gái và bé trai được cho là bị giết hoặc bị thương mỗi ngày", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói với các phóng viên ở New York (Mỹ) hôm 6.11, theo Reuters. Ông kêu gọi các quốc gia "hành động ngay bây giờ để tìm cách thoát khỏi ngõ cụt tàn bạo, khủng khiếp và đau đớn này".
Ông Guterres cũng cho biết 89 người làm việc với cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA) đã thiệt mạng ở Gaza. Đây là kỷ lục về thương vong đối với lực lượng cứu trợ của LHQ, cao hơn “bất kỳ giai đoạn nào có thể so sánh được trong lịch sử của tổ chức chúng tôi”, theo ông Guterres.
Trong khi đó, một số quốc gia tiếp tục gây sức ép lên Israel. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor hôm 6.11 thông báo nước này đang triệu hồi các nhà ngoại giao từ Israel để đánh giá lại quan hệ song phương, theo Reuters. Cho rằng việc triệu hồi quan chức ngoại giao là một "thông lệ bình thường", bà Pandor cho biết Nam Phi quyết định làm vậy để xác định "liệu có thể thực sự tiếp tục duy trì mối quan hệ về mọi mặt hay không". Nam Phi, nước từ lâu đã ủng hộ Palestine, không có đại sứ ở Israel.
Jordan, láng giềng Ả Rập của Israel, cùng ngày cho hay họ đang xem xét "mọi phương án" để đáp trả trước tình hình mà Amman cho là Israel đã không phân biệt mục tiêu quân sự và dân sự khi bắn phá và đưa quân vào Gaza. Thủ tướng Bisher al Khasawneh không nói rõ các biện pháp đó là gì.
Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Một số nhà ngoại giao cho biết Jordan đang xem xét lại mối quan hệ kinh tế, an ninh và chính trị với Israel, qua đó có thể đóng băng hoặc hủy bỏ hiệu lực một phần hiệp ước hòa bình với Israel nếu xung đột ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.
Cũng trong ngày 6.11, Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thảo luận về khả năng "ngừng bắn chiến thuật" trong cuộc chiến ở Gaza vì lý do nhân đạo và khả năng giải cứu con tin bị Hamas bắt giữ, trong một cuộc điện đàm. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, chính phủ Mỹ và Israel sẽ tiếp tục thảo luận về khả năng ngừng bắn như vậy.
Theo Lam Vũ/TNO
Bình luận (0)