Trong tuần này, ngày 14.6, Thượng nghị sĩ John Kerry – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ – sẽ tổ chức phiên điều trần lần hai về Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Dự điều trần sẽ có các nhân vật quan trọng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, cựu Thứ trưởng Ngoại giao John Negroponte, cựu Cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao John Bellinger. Phiên điều trần đầu tiên được ông Kerry tổ chức hôm 23.5, trong đó các quan chức Mỹ như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hay Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – tướng Martin Dempsey – đều có chung một thông điệp rõ rệt: Việc thông qua UNCLOS là cực kỳ quan trọng với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines tập trận chung gần vùng biển tranh chấp trên biển Đông.
Theo phân tích của Stewart Patrick – chuyên gia cao cấp của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, Giám đốc chương trình Nghiên cứu quốc tế và Quản lý toàn cầu – 30 năm sau khi chính quyền Reagan ký kết công ước, giờ là thời điểm rất hợp lý để Mỹ thông qua công ước này.
Ông Patrick cho biết, các lực lượng vũ trang Mỹ – đặc biệt là hải quân – đều ủng hộ UNCLOS một cách mạnh mẽ. “Bởi vì UNCLOS sẽ tạo điều kiện cho các nhiệm vụ của họ. Vì Mỹ là lực lượng chủ yếu đàm phán UNCLOS nên hiệp ước này chứa đựng tất cả những gì quân đội Mỹ mong muốn” – ông Patrick viết.
Ông Patrick cho rằng, giá trị trước hết của công ước với quân đội Mỹ là nó xác định các quyền lợi, trách nhiệm và quyền tài phán của các quốc gia biển. Công ước định nghĩa giới hạn biển lãnh thổ của một nước, thiết lập các quy định về việc đi qua các eo biển quốc tế, xác định vùng đặc quyền kinh tế theo cách tương thích với tự do hàng hải và tự do bay qua. Nó thiết lập “tính không thể xâm phạm về chủ quyền” có các tàu hải quân ghé vào cảng nước ngoài, do vậy mà có thể bảo vệ các tàu của Mỹ…
Cũng theo ông Patrick, các nước khác có thể đẩy Công ước Luật Biển đi theo hướng khác nếu Mỹ không phê chuẩn công ước.
Lâu nay hải quân Mỹ thường tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải, không thừa nhận các tuyên bố độc chiếm chủ quyền. Nhưng không phải thành viên chính thức của công ước, Mỹ thiếu vị thế pháp lý để đưa các khiếu nại ra một cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Nói rộng hơn, việc không phải là thành viên sẽ làm phức tạp thêm việc hợp tác song phương và đa phương của Mỹ với các đối tác quốc tế.
V.N – Tổng hợp
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)