Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mỹ sẽ siết hàng xuất khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan FDA của Mỹ sẽ tăng gấp đôi số chuyến thanh tra. Thu phí thanh tra 325 USD/giờ thay vì miễn phí như trước.
Sắp tới, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ tăng cường thanh tra cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhằm thực hiện quy định mới về Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA).
FDA thanh tra thế nào?
Với vai trò nguyên là chuyên gia kỹ thuật của FDA, ông David Lennarz, Công ty Registrar Corp (chuyên hỗ trợ các DN tuân thủ theo quy định của FDA), cho biết năm 2012, FDA đã thanh tra 1.200 chuyến và năm 2013 sẽ tăng gấp đôi lên 2.400 chuyến. Số chuyến thanh tra sẽ tiếp tục tăng lên theo các năm như 2014 dự kiến 4.800 chuyến, năm 2015 là 9.600 chuyến và 2016 là 19.200 chuyến thanh tra. Không chỉ thanh tra mật độ dày đặc, FDA còn tuyên bố sẽ làm mạnh tay.
DN có hàng hóa từng bị giữ tại cảng hoặc xuất khẩu sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe có khả năng bị kiểm tra nhiều nhất. FDA có thể chọn ngẫu nhiên DN để thanh tra, thậm chí họ còn kiểm tra thêm một số DN ở gần đó.
“Đặc biệt, với luật mới này, mặc dù không phải trả chi phí cho lần thanh tra đầu tiên nhưng nếu DN phạm lỗi, FDA sẽ tính phí cho những lần tái kiểm tra với mức phí 224 USD/giờ dành cho những công việc thực hiện tại Mỹ và 325 USD/giờ đối với công việc thực hiện tại nước ngoài (như thanh tra cơ sở sản xuất tại Việt Nam). Việc tính phí sẽ được tính cho thời gian thanh tra viên đến Việt Nam và đến tận cơ sở, thời gian chuẩn bị báo cáo, phân tích mẫu” – ông Lennarz thông tin.

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu có thể phải đối mặt với nhiều đợt thanh tra của Mỹ, chịu gánh nặng về chi phí. Ảnh: QUANG HUY
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết trước đây các DN  xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ chỉ cần đăng ký một lần với FDA về cơ sở sản xuất để được cấp số đăng ký. Tuy nhiên, với luật mới, cứ hai năm thì các cơ sở này phải đăng ký lại. FDA có quyền đình chỉ số đăng ký cơ sở sản xuất của DN xuất khẩu nếu phát hiện DN đó vi phạm an toàn thực phẩm. FDA còn được quyền lưu giữ hàng hóa trong 30 ngày nếu tình nghi trong sản phẩm có tạp chất hoặc dán nhãn sai quy định.
Phải chăm chút hàng xuất khẩu 
Cũng theo ông Khiên, khi FDA đến thanh tra, DN cần hợp tác tốt, thực hiện đúng yêu cầu. Trường hợp FDA phát hiện ra lỗi, DN phải có hành động sửa chữa ngay lúc đó thì những lỗi này sẽ không bị ghi lại trong báo cáo. Khi nhận được thông báo thanh tra của FDA, nếu DN không phản hồi trong vòng năm ngày, FDA sẽ tăng cường kiểm tra mẫu các chuyến hàng của DN đó hoặc đình chỉ mã đăng ký xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ của DN.
Còn luật sư Matthew McConkey, người phụ trách bộ phận Thương mại Toàn cầu của Công ty luật Mayer Brown khu vực châu Á, cảnh báo DN Việt Nam cần cẩn trọng xác minh “danh tính” của vị khách nào muốn thăm nhà máy sản xuất, các đoàn thanh tra.
Theo ông, DN xuất khẩu không nên dại dột “tình nguyện” cung cấp những thông tin mà FDA không yêu cầu. Trước khi có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, DN phải tìm hiểu kỹ quy trình thủ tục xuất khẩu, những điều gì cần làm để tránh rủi ro khi chuyển hàng tới nhà nhập khẩu và các quy định trong luật liên quan của Mỹ.
Ông David Lennarz (Công ty Registrar Corp) đã nêu ra một lỗi mà DN Việt Nam thường gặp nhất khi xuất khẩu sang Mỹ. Đó là quy cách ghi nhãn trên sản phẩm. Khi ghi nhãn mác, các DN cần ghi đầy đủ về khẩu phần, danh sách nguyên liệu, những chất béo chuyển vị, chất gây dị ứng có trong sản phẩm và thông tin nhà sản xuất, xuất xứ của sản phẩm…
Có sự bất hợp lý
Theo quy định trong FSMA đã nói ở trên, nếu DN xuất khẩu nước ngoài phạm lỗi thì FDA sẽ tính phí cho những lần tái kiểm tra. Việc tính phí sẽ được tính cho thời gian thanh tra viên đến tận DN và đến cơ sở sản xuất, thời gian chuẩn bị báo cáo, phân tích mẫu.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho rằng việc tính phí theo giờ rất khó xác định rõ thời gian cụ thể FDA thanh tra. Họ có thể kéo dài thời gian thanh tra, tự đưa ra cách tính phí, DN xuất khẩu đành phải chịu. 
“Mỗi DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam một năm chịu mấy chục lần thanh tra từ các đoàn Mỹ, châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật… Giờ mà Mỹ tăng gấp đôi thì DN rất mất thời gian đón tiếp, làm hồ sơ, chưa nói đến chờ kết quả. Với mức phí mới thì tính ra chỉ cần họ thanh tra trong 8 giờ mỗi ngày đã mất 2.400 USD, mà thời gian thanh tra đâu chỉ có một ngày. Theo tôi, đây là một sự bất hợp lý mà chúng ta cần đề nghị phía Mỹ xem xét lại” – ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, bức xúc.
Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA) là bộ luật sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn thực phẩm của FDA, hiện được FDA triển khai với mục tiêu tăng phòng ngừa các mối nguy và bệnh dịch do thực phẩm gây ra, buộc các nhà nhập khẩu có trách nhiệm hơn đối với chất lượng sản phẩm của khách hàng. Đến năm 2016, các quy định của luật này mới được ban hành đầy đủ nhưng hiện từng phần trong luật sửa đổi này đã được ban hành dần và có hiệu lực ngay. Một số quy định đã có hiệu lực trong năm 2012 và 2013.
QUANG HUY (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)