Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ, Singapore: Lợi nhuận từ đạo đức

Tạp Chí Giáo Dục

Ở các nước phát triển, nhiều sinh viên xem việc kinh doanh phi lợi nhuận quan trọng hơn việc học

Họ trẻ, kiếm ra tiền và giúp ích cho xã hội. Làm thế nào họ có thể kinh doanh vì lương tâm? Tuổi trẻ thường tắc trách, nhiều khi thiếu khả năng nhưng lại thích tuyên bố để chứng tỏ cá tính độc lập và sẵn sàng làm cả thế giới biến đổi trong chớp nhoáng. Họ thường chỉ giỏi nói chứ chẳng làm được gì! Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thế. Cũng những người trẻ tuổi ấy có lúc lại khiến ta sửng sốt. Hãy gặp ba doanh nhân trẻ tuổi đang quyết tâm làm cho thế giới tốt đẹp hơn nhưng không hề hy sinh thu nhập.
Tiền bạc hay đạo đức?
Shaun Koh của tổ chức Syinc.org có một nguyên tắc về kinh doanh vì xã hội: “Nếu làm điều tốt lại có tương quan trực tiếp đến việc kiếm tiền thì tôi gọi đó là kinh doanh vì xã hội”. Chàng sinh viên 24 tuổi này đang học ngành kỹ thuật ở Đại học Michigan Ann-Arbor (Mỹ) thì tạm nghỉ để làm việc cho Syinc.org. Tại đây anh làm đủ thứ – từ xây dựng cơ sở dữ liệu cho tới chiến lược phát triển web. Koh thiết kế một chương trình cải tổ xã hội cho những trường học nơi các học sinh vận dụng tư duy thiết kế để vạch ra các giải pháp hiệu quả, “chứ không phải giải quyết hậu quả”, Koh nói.
Koh cho biết làm việc tốt để tạo ra lợi nhuận là một ý tưởng rất mới. Hai năm trước, khi anh đăng ký một dự án doanh nghiệp vì xã hội để tham gia một cuộc thi kinh doanh, các giám khảo đã lúng túng không biết đánh giá làm sao vì họ chỉ chú tâm vào các dự án nhiều lợi nhuận nhất. Còn ý tưởng kinh doanh của Koh không tập trung vào lợi nhuận.
Nhưng giờ đã khác. Koh nói: “Bây giờ trong các cuộc thi ý tưởng kinh doanh lại có nhiều hạng mục cho doanh nghiệp vì xã hội. Nhưng khái niệm này không chỉ bó hẹp trong phạm vi tạo việc làm cho người khuyết tật để họ bán sản phẩm qua mạng. Chuyện đó chẳng có gì mới cả”.
Kinh doanh trực tuyến với tấm lòng
Đó mới là ý tưởng mà Koh hướng tới! Và tiêu biểu nhất cho hình thức doanh nghiệp vì xã hội dạng này chính là Give.sgcủa Singapore. Website này sử dụng các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter để giúp các tổ chức từ thiện gây quỹ. Ba người sáng lập – Assem Thakur, Zwee, và Pong Yu Ming – đều mới tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Họ gọi đây là một kiểu doanh nghiệp vừa làm việc thiện vừa tự nuôi thân. Assem nói: “Các tổ chức từ thiện phải tốn chi phí rất lớn để tổ chức các sự kiện gây quỹ – khoảng 20% chi phí điều hành. Thông qua Give.sg, chúng tôi giảm chi phí đó xuống còn 5%. Đó là cách chúng tôi giúp họ một giải pháp tiết kiệm hiệu quả và cùng lúc vừa tạo ra thu nhập cho Give.sg”.
Tập hợp các bộ óc
Còn Tomithy Too, sinh viên năm hai NUS, lại tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp vì Xã hội (SEforum). Đây là nơi các nhà doanh nghiệp vì xã hội bàn luận các dự án, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức về công việc. Too tin rằng đây là công việc anh yêu thích nhất. Anh nói: “Tôi đang khám phá, tìm kiếm ý nghĩa của đời mình. Và ở thời điểm này tôi không có gì để sợ mất. Như vậy sao không nỗ lực làm một việc gì có ý nghĩa chứ”.
Hiện nay Too đang bận rộn với một dự án mới phù hợp với thời đại thông tin. “Chúng tôi đang thiết kế một trò chơi trực tuyến dựa theo thời sự và các nhân vật đương thời để giúp mọi người hiểu chuyện gì đang diễn ra trên thế giới”.
Lợi nhuận cuối cùng
Các doanh nghiệp xã hội không lệ thuộc vào tiền quyên góp để tồn tại. Đó là những tổ chức kinh doanh đích thực nhưng mục tiêu lại hoàn toàn không vì lợi nhuận. Họ chỉ cần có đủ tiền để trang trải chi phí điều hành và đầu tư nghiên cứu. Với Give.sg, lợi nhuận đến từ phí dịch vụ mà các tổ chức từ thiện đăng ký tham gia website này phải chi trả. Mỗi tổ chức từ thiện sử dụng Give.sg để gây quỹ sẽ trích 3% từ tổng số tiền quyên góp được để website này duy trì và cải tiến các dịch vụ trực tuyến. Còn SEforum thì có cửa hàng trực tuyến Dothingsdifferent theo mô hình bán lẻ, nơi mà người mua phải trả tiền do các dịch vụ công ích. 70% doanh thu sẽ dành cho cộng đồng hay các chương trình mà SEforum tổ chức vì phúc lợi xã hội, môi trường hay cộng đồng. Hoạt động kinh doanh này khá tốt. Too nói: “Chỉ trong năm đầu đã có lãi”.
Theo CNNgo
YÊN NHẠN

Bình luận (0)