Thầy giáo Daniel biết hậu quả của học sinh không nhà |
Suy thoái kinh tế của Mỹ kéo dài khiến người trưởng thành thất nghiệp, ảnh hưởng đến học sinh.
Kara Gonzalez mất nhà hồi năm ngoái. Chuyện xảy ra sau khi chồng bà mất việc, và họ không thể nào trả tiền thuê nhà của họ ở Bronx. Bà kể: “Chúng tôi bắt đầu không có đủ tiền trả cho các hóa đơn gửi đến yêu cầu thanh toán. Có lúc chúng tôi phải sống khoảng 1 tuần mà không hề có điện”.
Rồi mọi việc từ xấu trở nên tệ hơn. Chồng bà cố vùng vẫy thoát khỏi tình trạng bằng hành động trái với luật pháp. Sau đó, ông ta bị bắt và bị bỏ tù.
Kara không cách nào đương đầu nổi với hoàn cảnh mới. Bà nói: “Tôi chẳng thể làm gì mà không có chồng giúp đỡ, nên tôi mất nhà và rồi chúng tôi mất sạch mọi thứ”.
Bỗng nhiên cả gia đình bà bị tống ra ngoài đường – 5 đứa nhỏ không có chỗ nào được gọi là nhà.
Chuyện của Kara chỉ là một thí dụ trong số gia đình nay trở thành vô gia cư đang ngày càng tăng tại nước Mỹ. Ở New York, con số đã lên gần đến mức kỷ lục.
Patrick Markee, thuộc nhóm ủng hộ Liên minh Những người không nhà, có trụ sở tại New York, nói: “Không trở thành vấn đề khi chúng tôi chứng kiến số người vô gia cư đang gia tăng trong nước. Họ chịu tác động của khủng hoảng thế chấp nhà giá thấp ngày càng thấy rõ, nhưng ngay cả trong những bang như New York vốn không chịu ảnh hưởng nhiều, số người mất nhà cửa cũng tăng do thất nghiệp lên cao”.
Học sinh không nhà
Ở New York, hai phần ba dân tạm cư là những gia đình, với khoảng 15.000 trẻ em. Cả nước Mỹ con số này là 1,5 triệu trẻ em. Tại học hiệu Morris thuộc quận Bronx của thành phố, các giáo viên đã nhận thấy học sinh trở nên không nhà cửa gia tăng. Theo Daniel Nartey, dạy ở học hiệu Morris thì số trẻ này đang trở thành vấn đề cần giải quyết. Ông nói cần phải xem xét các dấu hiệu, bởi thường bọn trẻ bất đắc dĩ mới thừa nhận mình vô gia cư.
Theo ông: “Nó biểu hiện qua nhiều cách khác nhau. Đôi khi có thể nhận thấy rõ do học sinh bắt đầu đi học không đúng giờ giấc. Có khi các em đi học trễ, lại có lúc tới trường rất sớm. Do vậy bạn phải nghĩ xem hẳn có thể một điều gì đó đã xảy ra, bởi luôn khó tiếp cận với những ai đang trong hoàn cảnh như vậy”.
Việc học hành cũng có thể nhận thấy: Học sinh không có nhà thường không có thành tích tốt như những học sinh khác. Nếu các em đang có nhà mà bị mất thì học lực thường sa sút.
Bản thân Daniel từng không có nhà khi còn nhỏ nên ông biết rành điều gì sẽ xảy ra.
Ông phát biểu: “Nó khiến tâm hồn bạn hoàn toàn đổi khác. Bạn phải tự hỏi mình: “Đêm nay sẽ ra sao? Mình sẽ ăn gì vào tối nay? Đêm nay gia đình mình sẽ ngủ ở đâu? Và nếu gia đình mình ngủ ở đây, liệu có an toàn?”.
Ông còn nói thêm: “Khi bạn đã đặt những câu hỏi này trong đầu, khó mà ngồi xuống, tập trung vào bài vở, bảo đảm thời gian học tập cho tốt. Sẽ rất khó học giỏi trong tình trạng như vậy”.
Không chỉ hiện tại
Lần đầu phóng viên gặp gia đình Gonzalez, họ đang chuyển từ chỗ tạm trú này sang chỗ tạm trú khác. Kara nói các con bà do vậy cũng phải chuyển trường, bữa đi học bữa không. “Thật xấu hổ cho các con tôi bởi chúng vô tội trong việc này. Không phải do lỗi của chúng khiến chúng trở nên vô gia cư. Không phải lỗi của chúng mà lỗi là do chúng tôi thất nghiệp”, bà Kara nói.
Cô con gái lớn Megan, 18 tuổi, phụ mẹ giúp các em. Cô không chịu đựng nổi ý nghĩ mình không nhà cửa: “Khi nghe thấy tiếng này, dường như… tôi thu mình lại, tôi là một kẻ vô gia cư sao?”. Cô thở dài, cúi đầu trước thực trạng.
Megan từng cắp sách đến trường, mơ ước trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh và hy vọng sẽ được cấp học bổng, nhưng nay cô lo ngại cho những đứa em. Cô nói mọi chuyện đã thay đổi.
Cô kể: “Tôi chỉ mong khi chúng lớn lên chúng tôi sẽ sống ở vùng ngoại ô và như vậy hơi dễ chịu hơn. Chúng tôi đã sống vô gia cư chưa tới một năm, và bọn chúng thay đổi. Chúng bị gọi là bọn ở khu Do Thái, bị khinh bỉ và khiến tôi buồn lòng. Tôi chỉ hy vọng tình trạng sớm thay đổi để mọi việc trở lại như cũ, các em tôi lại được đến trường, học hành đàng hoàng”.
Từ an ninh đến mất ổn định, từ ngày này qua ngày kế tiếp, lũ trẻ nhận thấy cuộc sống của chúng đảo lộn. Chúng phải phấn đấu từng ngày với cuộc sống để tồn tại, và đồng thời có nguy cơ rớt lại phía sau về giáo dục so với trẻ đồng trang lứa, không chỉ ở hiện tại bị ảnh hưởng, mà cả tương lai của chúng nữa.n
(theo New York Times)
Quang Hùng
Bình luận (0)