Trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh tăng cường thắt chặt nguồn cung của ngành linh kiện bán dẫn, các tập đoàn của Trung Quốc đang phải tìm cách đối phó.
Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với Micron Technology là tập đoàn sản xuất chíp nhớ hàng đầu của Mỹ. Động thái này được xem là bước căng thẳng tiếp theo trong cuộc xung đột thương mại giữa 2 siêu cường Mỹ – Trung, đặc biệt đối với ngành bán dẫn.
Bao vây toàn diện
Trong khi đó, Reuters đưa tin dù Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 1.4 thăm Trung Quốc, Tokyo ngày 31.3 đã công bố sẽ thực hiện hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 31.3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura lý giải quyết định trên là nhằm "hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia công nghệ để đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế".
.
Huawei đang đối mặt nhiều khó khăn. Reuters
Dù ông Nishimura không nói việc hạn chế là nhằm vào Trung Quốc, nhưng giới quan sát đều cho rằng đây là động thái tiếp theo trong hàng loạt động thái của Washington cùng các đồng minh nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bán dẫn.
Cũng vào ngày 31.3, tờ South China Morning Post đưa tin ông Peter Wennink, Tổng giám đốc Tập đoàn ASML (Hà Lan), đang có chuyến thăm Trung Quốc và có cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Vương Văn Đào. ASML là tập đoàn gần như độc quyền thế giới về sản xuất máy quang khắc chuyên dùng cho quá trình sản xuất chíp bán dẫn. Tuy nhiên, chuyến thăm được cho là vẫn không thể hóa giải được việc ASML sắp phải ngưng cung cấp thiết bị cho các đối tác Trung Quốc.
Đầu tháng 3, Reuters đưa tin chính phủ Hà Lan thông báo sẽ ra hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn để bảo vệ an ninh quốc gia. Quyết định này là động thái đầu tiên của Hà Lan hướng tới việc áp dụng các quy tắc do Mỹ thúc giục nhằm hạn chế sự phát triển của ngành sản xuất chíp Trung Quốc.
Trước đó, cuối tháng 1, tờ The New York Times dẫn một số nguồn tin tiết lộ Mỹ cùng với Nhật Bản và Hà Lan sắp đạt thỏa thuận hợp tác hạn chế xuất khẩu máy móc công nghệ cao đến Trung Quốc. Nhật Bản và Hà Lan vốn là 2 quốc gia hàng đầu về cung cấp thiết bị sản xuất chíp bán dẫn.
Thời gian qua, Mỹ cùng đồng minh đã áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành linh kiện bán dẫn của Trung Quốc.
Tìm đường "tái sinh"
Trong bối cảnh như vậy, các "đại gia" công nghệ Trung Quốc đang tìm cách "tái sinh". CNBC ngày 31.3 dẫn lời Chủ tịch luân phiên của Huawei Từ Trực Quân phát biểu cùng ngày khẳng định: "Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà sẽ nỗ lực tự lực, tự cường".
Mỹ vận động G7 hợp tác đối phó Trung Quốc Mỹ đang kêu gọi các nước G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) đưa ra phản ứng chung nếu Trung Quốc có hành động cưỡng ép về kinh tế đối với các đối tác của nhóm. Tờ Nikkei Asia ngày 2.4 đưa tin lời kêu gọi đã được Mỹ đưa ra trong các cuộc đối thoại của G7. Washington được cho là sẽ làm rõ các nội dung cụ thể với Nhật Bản (nước chủ tịch G7 trong năm nay) trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 5. Bảo Vinh |
Theo đó, tập đoàn này đã đạt được bước đột phá trong việc kết hợp cùng Công ty EDA cũng của Trung Quốc đã phát triển nền tảng tự động hóa để thiết kế chíp tích hợp (IC) tiến trình 14 nm. Chíp tiến trình 14 nm nghĩa là sử dụng các bóng bán dẫn có kích thước chỉ 14 nm, khi bóng bán dẫn càng nhỏ thì giúp tăng hiệu năng của chíp. Giữa tháng 3, tờ South China Morning Post đưa tin Huawei đã phủ nhận tin đồn về việc đạt công nghệ đóng gói mới dành cho chíp bán dẫn tiến trình 7 nm. Trong khi đó, Tập đoàn Qualcomm của (Mỹ) từ năm 2021 đã thương mại hóa nền tảng Snapdragon 8 Gen 1 đạt tiến trình chỉ 4 nm.
Thực tế, từ năm 2019, Huawei từng tung ra dòng chíp Kirin 820 dành cho thiết bị di động đã đạt tiến trình 7 nm. Tuy nhiên, các dòng Kirin 820 cũng như nhiều dòng chíp trước đó của Huawei được thiết kế dựa trên kiến trúc ARM. Đến khi ARM thực thi theo lệnh trừng phạt của Mỹ, ngưng cung cấp kiến trúc chíp cho Huawei nên hãng này phải "làm lại từ đầu".
Không những vậy, lệnh trừng phạt của Mỹ còn "cắt đường" Huawei tiếp cận các loại chíp khiến cho hãng này hiện chỉ có thể sản xuất và bán ra các loại điện thoại di động thông minh thế hệ 4G chứ không phải 5G. Chính vì thế, Huawei đã gặp vô số khó khăn. Theo báo cáo tài chính vừa được công bố mới đây, doanh thu của tập đoàn này trong năm 2022 tăng 0,9% so với năm 2021 đạt 642,3 tỉ nhân dân tệ (92,42 tỉ USD), nhưng lợi nhuận giảm đến 69% so với năm 2021, chỉ còn 35,6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 5 tỉ USD).
Theo Hoàng Đình/TNO
Bình luận (0)