Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ tạo đà cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Tạp Chí Giáo Dục

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 19-7 đã ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, rộng đường cho việc Thượng viện bỏ phiếu về quyết định mở rộng quan trọng nhất của liên minh quân sự 30 thành viên này kể từ những năm 1990.

Hội đồng gồm 22 thành viên đã thông qua việc mở rộng của NATO dưới hình thức biểu quyết bằng giọng nói. Thượng nghị sĩ Bob Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho hay trước cuộc bỏ phiếu: "Họ là những ứng cử viên lý tưởng cho tư cách thành viên và sẽ củng cố liên minh theo nhiều cách".

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Jim Risch cho rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ là những đồng minh tuyệt vời, sẽ củng cố cho NATO về mặt chính trị và quân sự, đồng thời cung cấp cho liên minh quân sự này những khả năng mới, đặc biệt là ở Bắc cực.

Mỹ tạo đà cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (phải) tham dự cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại Brussels vào ngày 5-7. Ảnh: Reuters

Trước đó, Hạ viên Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết ủng hộ hai nước Bắc Âu gia nhập NATO với 394 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống.

Thượng viện Mỹ gồm 100 thành viên dự kiến ​​sẽ chấp thuận tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển với hơn 2/3 số phiếu cần thiết.

Để được gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần được tất cả 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự phê chuẩn và việc phê chuẩn có thể mất khoảng 1 năm. Trong thời gian chờ đợi, Helsinki và Stockholm có thể tham gia các cuộc họp của NATO và tiếp cận nhiều hơn các thông tin tình báo.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng hai nước Bắc Âu vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc Helsinki và Stockholm ủng hộ các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố.

Tuy nhiên, hồi tháng trước, Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid – Tây Ban Nha nhằm dỡ bỏ quyền phủ quyết của Ankara để đổi lấy các cam kết về chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện thỏa thuận này của Phần Lan và Thụy Điển. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo hai nước này không nên gia nhập NATO.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)