Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mỹ thuật đương đại đã có chỗ trong bảo tàng

Tạp Chí Giáo Dục

Là hơi thở của đời sống mỹ thuật, song phải tới 25.2, mỹ thuật đương đại mới có chỗ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khuôn mặt đời sống mỹ thuật

Gian trưng bày về mỹ thuật truyền thống, mỹ thuật ứng dụng đã được xếp lại để nhường chỗ cho mỹ thuật đương đại trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. “Cũng có những ý kiến muốn giữ lại trưng bày mỹ thuật truyền thống, mỹ thuật ứng dụng,… tuy nhiên nội dung này với các đồ vật sơn thếp, trang phục… bị trùng và không phong phú được như bảo tàng khác, đặc biệt là Bảo tàng Dân tộc học, vì thế tôi cho rằng việc thay đổi bằng trưng bày mỹ thuật đương đại là đúng. Chúng ta không thể không giới thiệu đời sống mỹ thuật gần đây, nhất là khi chúng ta có sưu tập”, một họa sĩ giấu tên chia sẻ.

Mỹ thuật đương đại đã có chỗ trong bảo tàng - ảnh 1

Tác phẩm Công xưởng của họa sĩ Lê Quảng Hà

Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại đã được khai trương ngày 25.2 như vậy. Tại đó, có 65 tác phẩm được lựa chọn từ bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của bảo tàng. Bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Tiêu chí lựa chọn là các tác phẩm thuộc về mỹ thuật đương đại phản ánh cuộc sống thực tại ở các góc độ: từ bảo vệ môi trường đến quá trình đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống, lao động sản xuất thủ công, hiện đại, tâm trạng, tinh thần của con người trong đời sống hằng ngày, có tính thời sự như tác phẩm về Covid-19… Đó cũng là các hiện vật mới sưu tầm các năm gần đây chưa đưa ra trưng bày”.

Tại không gian mỹ thuật đương đại này có thể thấy nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng. Bà Hương cho biết “bán chạy nhất” không phải là tiêu chí chọn mua tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều các tác phẩm ở đây là của các tác giả đoạt giải trong các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, mỹ thuật khu vực, giải của Hội Mỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cũng đồng thời là những người đã chiếm lĩnh được thị trường mỹ thuật, tác phẩm có mặt tại các bảo tàng trong nước và quốc tế, được các nhà sưu tập quan tâm. Bà Hương liệt kê các tác giả như: “Lê Thánh Thư, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung Tín, Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Đỗ Minh Tâm, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Vũ Đình Tuấn, Đào Quốc Huy, Bùi Tiến Tuấn, Hà Mạnh Thắng, Đào Châu Hải, Khổng Đỗ Tuyền, Hoàng Mai Thiệp…”.

Mỹ thuật đương đại đã có chỗ trong bảo tàng - ảnh 2

Tác phẩm Con gái tôi và sợi dây hoa dại của họa sĩ Nguyễn Quốc Hội. BẢO TÀNG CUNG CẤP

Mặc dù vậy, có những tác giả, tác phẩm không có mặt ở đây một cách đáng tiếc, và một trong số đó là ông Trương Tân. Ông Tân được đánh giá là một họa sĩ thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy mỹ thuật của những năm 1990 cả trong thực hành lẫn giảng dạy mỹ thuật. Các tác phẩm của ông gồm cả sắp đặt và hội họa giá vẽ, vừa mới lạ về thể hiện, vừa mang nhiều thông điệp xã hội, trong đó có câu chuyện giới. Lúc mới ra mắt, tác phẩm của ông thường gây tranh cãi. Về trường hợp này, bà Trần Thị Hương cho biết: “Không có tác phẩm của Trương Tân, nhưng việc bàn tán, chưa thống nhất hoặc có nhiều ý kiến trái chiều về một tác phẩm nào đó là điều bình thường, bởi quan điểm cá nhân, quan điểm lựa chọn của bảo tàng với sở thích cá nhân của công chúng đôi khi không trùng nhau”.

Quy trình “đi chợ”

Họa sĩ Lê Thiết Cương, một trong những tác giả từng được bảo tàng nước ngoài mua tranh, không hề có mặt. Ở trưng bày những họa sĩ “đắt khách” và tài năng do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) tổ chức, ông Cương cũng là người được mời. Ông Cương cho biết: “Không phải là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không bày tranh của tôi trong trưng bày, mà là chưa bao giờ mua tranh của tôi”.

Mỹ thuật đương đại đã có chỗ trong bảo tàng - ảnh 3

Tác phẩm Chiều mùa hè của họa sĩ Thành Chương

Về điều này, một người quản lý mỹ thuật lâu năm cho biết theo quy trình, bộ phận sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ lựa các tác phẩm. Sau đó các tác phẩm này được một hội đồng thẩm định. Hội đồng đó sẽ quyết định việc mua tác phẩm mà phòng sưu tập trình hay không. Tuy nhiên, họ cũng sẽ không thể bỏ phiếu để mua một tác phẩm mà phía sưu tập của bảo tàng trình. “Rõ ràng là nếu vòng đi chợ đầu tiên đã lựa được ít tác phẩm thì việc thẩm định của hội đồng cũng không thể giúp bảo tàng có được các tác phẩm quý. Tôi nghĩ cần phải thay đổi quy trình này, chúng ta cần có sự tham gia của chuyên gia ngay từ vòng đi chợ”, nhà quản lý này nêu ý kiến.

Còn nhớ, họa sĩ Lê Quảng Hà từng chia sẻ về việc bán tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với giá thấp hơn so với nước ngoài. Ông Hà rất thông cảm với việc đó. Tuy nhiên, tác phẩm của ông Hà được mua là một tranh đoạt giải thưởng của triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Trong khi đó, nhiều tác phẩm được đánh giá cao hơn của ông lại không được hỏi đến. Đánh giá mức độ sự việc nghiêm trọng hơn, giám tuyển Trần Lương cũng từng cảnh báo tác phẩm đương đại của mỹ thuật Việt bị chảy máu. Ông Lương còn cho rằng hiện muốn mua cũng không mua được nữa.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết tại các bảo tàng nước ngoài, việc mua tranh có quy định nghiêm nhưng cũng rất linh hoạt. Chẳng hạn, bên cạnh việc mua định kỳ còn có những kỳ họp “khẩn” để mua tác phẩm. “Nếu cứ làm việc kiểu quá hành chính sẽ bỏ qua nhiều cơ hội mua tác phẩm tốt. Tôi không có tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng có tác phẩm ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore. Thế thôi, cũng chả cần bình phẩm nhiều”, ông Cương nói.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)