Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ thực hiện ca cấy ghép mắt đầu tiên trên thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Các bác sĩ phẫu thuật tại NYU Langone Health đã thực hiện thành công ca cấy ghép mắt đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân hiện hồi phục tốt sau hơn 1 năm, mắt đã có cảm giác.

Theo công bố hôm 9-11 từ nhóm NYU Langone Health, một trung tâm y tế học thuật trực thuộc Đại học New York (NYU – Mỹ), bệnh nhân là ông Aaron James (46 tuổi). Ông James gặp tai nạn liên quan đến đường dây điện cao thế làm phá hủy phần lớn khuôn mặt và mắt bên trái.

Ngoài việc là người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép toàn bộ mắt, ông James còn được ghép một phần khuôn mặt.

Mỹ thực hiện ca cấy ghép mắt đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Bệnh nhân Aaron James (trái) với một phần khuôn mặt bao gồm mắt trái, mũi, miệng, hai bên gò má được cấy ghép vào năm ngoái. Ảnh: NYU LANGONE HEALTH

Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật vào tháng 5 năm ngoái. Con mắt hiến tặng hiện trông rất khỏe mạnh dù vẫn còn quá sớm để biết ông James có thể nhìn thấy lại bình thường nhờ nó hay không.

Nam bệnh nhân đến từ TP Hot Springs (bang Arkansas – Mỹ) nói với AP: "Tôi cảm thấy ổn. Tôi vẫn chưa thực hiện được bất kỳ chuyển động nào bên trong mắt, mí mắt của tôi vẫn chưa chớp được. Nhưng bây giờ tôi đã có cảm giác trở lại".

Mỹ thực hiện ca cấy ghép mắt đầu tiên trên thế giới - Ảnh 2.

Cuộc phẫu thuật cho ông James. Ảnh: NYU LANGONE HEALTH

Mỹ thực hiện ca cấy ghép mắt đầu tiên trên thế giới - Ảnh 3.

Nam bệnh nhân và vợ trước khi được phẫu thuật. Ảnh: NYU LANGONE HEALTH

Kết quả cuộc phẫu thuật của ông James vẫn đang được theo dõi và hứa hẹn mở ra cho các nhà khoa học một cánh cửa chưa từng có về cách chữa lành mắt người.

"Chúng tôi không tuyên bố rằng chúng tôi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục thị lực. Nhưng chúng tôi đang tiến gần hơn một bước" – bác sĩ Eduardo Rodriguez, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của NYU, người đứng đầu ca cấy ghép, cho biết.

Ca phẫu thuật được cộng đồng khoa học ca ngợi. Tiến sĩ Jeffery Goldberg, Chủ nhiệm ngành Nhãn khoa tại Đại học Stanford (Mỹ), chỉ ra thách thức lớn nhất đối với các bác sĩ khi cấy ghép mắt chính là việc tái tạo lại dây thần kinh thị giác.

Hiện nay, việc cấy ghép giác mạc là phương án khá phổ biến để điều trị một số dạng mất thị lực. Nhưng việc cấy ghép toàn bộ mắt – bao gồm nhãn cầu, mạch máu liên quan và các dây thần kinh thị giác quan trọng kết nối với não – là bước tiến lớn.

Theo AP và NYU Langone Health, ông James bị tai nạn điện nghiêm trọng từ tháng 6-2021 với dòng điện lên tới 7.200 volt, khiến việc ông sống sót đã là một kỳ tích.

Ông được cứu sống nhưng mất cánh tay trái và đang phải sử dụng tay giả. Ông cũng mất mũi và môi, phải múc bỏ mắt trái và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tạo hình để sửa chữa những vết thương nặng nề trên mặt.

Ông đã rất nỗ lực tập vật lý trị liệu nhưng vẫn đang cần hỗ trợ ống thở và sonde dạ dày. Hiện ông chưa thể ngửi, nếm hay ăn thức ăn đặc.

Theo Anh Thư/NLĐO

 

Bình luận (0)