Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ trong tham vọng thiết lập vành đai Á – Âu mới

Tạp Chí Giáo Dục

Mỹ bắt tay cùng Ấn Độ và nhiều nước để thiết lập hành lang vận chuyển Á – Âu mà mục tiêu được cho là nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.

Sáng kiến về hành lang trên được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Ấn Độ. Mới đây, website của Nhà Trắng cũng đã thông tin về thỏa thuận.

Nỗ lực của Washington

Theo đó, trong biên bản ghi nhớ phối hợp thực hiện vành đai trên, Ả Rập Xê Út, EU, Ấn Độ UAE, Pháp, Đức, Ý và Mỹ cam kết hợp tác để thiết lập Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC). IMEC được kỳ vọng sẽ kích thích phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng vịnh Ả Rập và châu Âu.

Mỹ trong tham vọng thiết lập vành đai Á - Âu mới - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 9.9 vừa qua. Reuters

IMEC sẽ bao gồm 2 hành lang riêng biệt, hành lang phía đông nối Ấn Độ với vịnh Ả Rập và hành lang phía bắc nối vịnh Ả Rập với châu Âu. IMEC sẽ bao gồm một tuyến đường sắt mà sau khi hoàn thành sẽ cung cấp mạng lưới vận chuyển từ tàu đến đường sắt xuyên biên giới có chi phí thấp, để bổ sung cho các tuyến vận tải đường bộ và đường biển hiện có – cho phép hàng hóa và dịch vụ vận chuyển đến, đi giữa Ấn Độ, UAE, Ả Rập Xê Út, Jordan, Israel và châu Âu.

Dọc theo tuyến đường sắt, các bên tham gia dự định thiết lập đường cáp điện và truyền dữ liệu cũng như đường ống vận chuyển khí đốt. Theo Nhà Trắng, hành lang này hướng đến việc đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường khả năng tiếp cận thương mại, cải thiện thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ tăng cường chú trọng vào các tác động của chính phủ và xã hội đối với môi trường.

Để hỗ trợ sáng kiến này, các bên cam kết nhanh chóng phối hợp triển khai, đồng thời thành lập các cơ quan điều phối để giải quyết đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, tài chính, pháp lý và quy định liên quan.

Theo AP, ý tưởng về sáng kiến này được hình thành sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Ả Rập Xê Út vào tháng 7.2022. Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden nhấn mạnh nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn.

Đến tháng 1, Nhà Trắng bắt đầu đàm phán với các đối tác trong khu vực về kế hoạch. Đến gần đây, các bản đồ cơ bản về kế hoạch cũng như quá trình đánh giá về cơ sở hạ tầng đường sắt hiện có ở Trung Đông đã được soạn thảo. Các quan chức Mỹ đã đến Ả Rập Xê Út hồi tháng 5 để gặp gỡ các đối tác thảo luận về kế hoạch.

Dự kiến trong 2 tháng tới, các bên liên quan sẽ thảo luận để vạch ra kế hoạch đầy đủ hơn cùng với lộ trình thực hiện chi tiết. Trong đó, giai đoạn đầu tiên sẽ tập trung vào việc xác định các hạng mục cụ thể để đầu tư và địa điểm chính xác để thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả kết nối. Đến nay, chưa rõ tổng mức đầu tư cho vành đai trên là bao nhiêu.

Washington đối mặt nhiều thách thức

GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Dự án xây dựng một hành lang đường sắt và vận chuyển từ Ấn Độ qua Trung Đông rồi châu Âu nếu trở thành hiện thực thì tất nhiên sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều bên".

Chất "kết dính" cho Israel và Ả Rập Xê Út ?

Theo AP, Mỹ cùng một số đối tác đã cố gắng kết nối Israel và Jordan vào dự án. Đến nay, Israel và Ả Rập Xê Út – một bên quan trọng trong dự án trên, vẫn chưa bình thường hóa quan hệ dù Mỹ đã nỗ lực tác động rất nhiều. Chính vì thế, theo một số nguồn tin thì Mỹ hy vọng thông qua IMEC, Israel và Ả Rập Xê Út sẽ tiến tới thiết lập ngoại giao chính thức.

"Đây rõ ràng là một bước đi đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, cũng cần chờ xem tham vọng trên có trở thành hiện thực hay không. Bởi nếu như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào cuối năm sau, thì một dự án như vậy khó có thể được theo đuổi. Đó là chưa kể tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay cũng khó đảm bảo cho dự án này được thuận lợi", GS Nagy phân tích thêm.

Ông Nagy cho rằng Ấn Độ có lợi ích lớn đối với dự án trên. "Dù thế nào, cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối là những thành phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và độ mở, giúp mang lại lợi ích cho Ấn Độ khi kinh tế nước này đang trên đà phát triển nhanh", GS Nagy đánh giá, đồng thời đặt vấn đề: "Mỹ nên thận trọng nếu nghĩ rằng dự án này thành công thì đủ để tạo ra một thành quả hợp tác chính trị và an ninh như mong đợi để đối phó với cả Trung Quốc lẫn Nga".

Bởi nguyên nhân, theo GS Nagy thì Ấn Độ – một bên then chốt trong dự án trên – tiếp tục theo đuổi ngoại giao riêng, trong đó New Delhi dù đối phó Bắc Kinh nhưng vẫn cân bằng quan hệ đối với Moscow và Washington. 

Theo Hoàng Đình/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)