Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Trường công lập nhắm đến học sinh Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Các học sinh con nhà khá giả ở Trung Quốc đang là mục tiêu tuyển sinh của các trường công ở Mỹ

Những năm qua, việc du học sinh nước ngoài trở thành đối tượng thu hút của các trường trung học tư thục tại Mỹ đã không còn lạ. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều trường công lập tham gia vào cuộc cạnh tranh tuyển sinh này với mong muốn tạo nên sự đa dạng cũng như tăng thêm ngân quỹ cho trường. Và mục tiêu chính của họ là các học sinh đến từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Trung Quốc.
Thầy cô và bạn bè của Zhang Yi Fan ở Trường Trung học Camden Hills, thành phố Portland, bang Maine thường gọi cậu bằng cái tên Mỹ thân mật “Jacky”. Mẹ của Zhang là chủ một công ty điện lực ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Zhang cùng với hai người bạn khác là những học sinh nước ngoài đầu tiên đến học tại trường công này. Trước đây, Zhang đã từng học ở Trường tư Lee Academy và mới chuyển sang Trường Camden Hills. Zhang cho biết khả năng tiếng Anh của cậu tiến bộ nhanh khi học ở trường mới. Trường cũ có quá nhiều học sinh Trung Quốc và “suốt ngày em toàn nói tiếng Hoa” – Zhang cho biết.
Cuộc đua tuyển du học sinh
Các viên chức Trường Camden Hills hy vọng sẽ có thêm nhiều học sinh như Zhang. Ông Nick Ithomitis, Hiệu trưởng trường này cho biết sẽ sang Trung Quốc và Việt Nam vào những tháng tới để chiêu sinh thêm. Không tính chi phí ăn ở, học phí cho một du học sinh tại hầu hết các trường công chừng 15.000 USD/năm, cao hơn chi phí học tập của một học sinh địa phương khoảng 6.000 USD.
Ông Ithomitis nói: “Là trường công, khi bắt đầu tuyển du học sinh, chúng tôi phải cam kết với hội đồng quản trị giáo dục địa phương là không gây phát sinh thêm bất kỳ chi phí đầu tư nào nữa”.
Các trường công khác cũng cạnh tranh không kém. Hiệu trưởng Ken Smith của Trường Trung học Millinocket trong tháng 10 này đã cùng các viên chức trường tư khác ở bang Maine sang Trung Quốc tuyển sinh. Ông Smith nói rằng học phí cho du học sinh ở trường của ông chỉ khoảng 13.000 USD, thêm vài ngàn USD nữa cho việc ăn ở. Tuy nhiên, chi phí cụ thể còn tùy vào du học sinh muốn ở ký túc xá hay ở chung với các gia đình Mỹ trong vùng.
Không chỉ các trường trung học nhỏ ở vùng nông thôn muốn tuyển thêm học sinh nước ngoài, ngay cả những trường lớn cũng “chạy đua” nhận du học sinh nhập học. Ông Jim Morse, một quan chức giáo dục của tiểu bang Maine cho biết: “Chúng tôi đang nộp đơn cho Bộ Nội vụ Mỹ để xin phép các trường công lập lớn được mở cửa đón học sinh nước ngoài có thu học phí”.
Một mô hình kinh tế
Ông Dale Douglass ở Hiệp hội Hiệu trưởng Maine cho rằng nhiều trường ở tiểu bang này đã có tập quán đón nhận học sinh từ các nước khác, và thường bố trí họ ở chung với các gia đình Mỹ. Theo ông: “Vấn đề lớn nhất là bảo đảm có đủ chỗ ở, đồng thời giám sát được việc học của các em”.
“Đây là một mô hình kinh tế. Chúng tôi đang cố thu hút học sinh khắp thế giới để giúp trang trải chi phí giáo dục cho học sinh Mỹ”, ông Morse nói. Các viên chức trong ngành giáo dục ở bang Maine có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc. Các công ty du lịch Mỹ trong những năm vừa qua cũng đã tổ chức nhiều tour trại hè cho học sinh Trung Quốc đến Maine. Ngày trước, ông Jim Morse từng tuyển nhiều du học sinh Trung Quốc cho Trường Trung học Mesalonskee ở thành phố Oakland (thuộc bang California) thông qua các tổ chức thanh thiếu niên.
Nhưng còn một trở ngại khác là chương trình visa F-1 đang áp dụng cho học sinh nước ngoài học trường trung học công lập. Giống như các chương trình trao đổi học sinh, visa này chỉ có thời hạn một năm. Hiện tại, các trường công đang vận động để du học sinh của họ được cấp visa không hạn chế thời gian giống như ở các trường tư.
Và Zhang Yi Fan – trong khi chờ thay đổi chính sách này – cậu buộc phải quay trở lại Trường tư Lee Academy cho đến hết niên khóa.
(Theo Boston Herald)
Yên Nhạn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)