Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Trường Đại học Illinois – nơi trao đổi hai nền giáo dục Việt – Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Đại học Illinois. Ảnh: I.T

Tại Trường Đại học Illinois ở Urbana Champaign, các sinh viên Việt Nam đầu tiên trong Chương trình trao đổi sinh viên do Chính phủ Mỹ tài trợ kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc đang học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học – kỹ thuật.
Illinois là một lựa chọn
Giáo sư Đỗ Minh, thuộc Khoa Kỹ thuật điện máy và máy tính (ECE) của Trường Đại học Illinois đã trở về Việt Nam năm 2004 cùng với các đại diện khác của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), một cơ quan liên bang độc lập được Quốc hội Mỹ tài trợ nhằm mục đích cải thiện quan hệ giữa hai nước thông qua giáo dục. Ở Việt Nam, Đỗ Minh đã trao đổi cùng một số sinh viên hàng đầu để thông tin cho họ những lợi ích có được từ nền giáo dục Hoa Kỳ.
Ông Minh nói: “Thế hệ sinh viên mới của Việt Nam đều đã nghe về MIT hoặc Harvard, nhưng không nhiều trong số họ biết về Illinois. Chúng tôi đang giúp các sinh viên Việt Nam nhận học bổng VEF biết về nền giáo dục Hoa Kỳ hoạt động ra sao”.
Ông Minh nói rằng nền giáo dục ở các nước châu Á rất khác biệt so với ở Mỹ. Tại Đại học Illinois, các sinh viên đều được khuyến khích tham gia hoạt động học tập một cách tích cực bằng việc thực hiện những nghiên cứu riêng của mình cũng như có thể tư duy biện luận và chất vấn các giáo sư giảng dạy họ. “Tại Việt Nam, sinh viên hầu hết không được dạy bằng cách để cho họ tư duy độc lập. Vì vậy, các sinh viên muốn đến với nền giáo dục Mỹ đang được giới thiệu về một hệ thống mới. Điều đó sẽ giúp họ thay đổi cách học tập, nghiên cứu và họ sẽ mang hệ thống dạy học này trở về Việt Nam để giúp các sinh viên Việt Nam phát huy năng lực được nhiều hơn”.
Có đến 1.000 sinh viên Việt Nam nộp đơn xin học bổng VEF trong năm 2004, nhưng chỉ 150 người được chọn để phỏng vấn sau khi trải qua nhiều vòng kiểm tra. Trong số 150 người đó, giáo sư Đỗ Minh đã giúp VEF chọn ra 30 sinh viên để đến học tại Trường Đại học Illinois; và một nửa trong số họ hiện đang theo học Khoa ECE. Sau khi lấy bằng, chương trình VEF đòi hỏi các sinh viên phải trở về Việt Nam để làm việc. Ông Minh nói rằng nhiều người trong số họ sẽ trở thành các giáo sư hoặc thành lập công ty riêng. “Nhưng dù họ làm gì, họ cũng sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai ở Việt Nam về khoa học và công nghệ” – ông Minh cho biết.
Du học sinh Việt nói về Illinois
Nguyên Các, một sinh viên Việt Nam bắt đầu theo học tiến sĩ Khoa ECE vào năm 2005, hy vọng sẽ lấy bằng và trở về Việt Nam với mong muốn thành một giảng viên giảng dạy cho các trường đại học. Cô nói: “Học ở Mỹ là một môi trường hoàn toàn khác đối với tôi. Tôi sẽ có thể mang về quê hương nhiều thứ mà tôi học được từ những nghiên cứu tôi đang thực hiện ở đây”.
Còn La Chính, hiện đang theo học thạc sĩ Trường Illinois và đã thực tập ở Úc nói rằng lý do chính khiến anh ấy đến Mỹ là vì tò mò, nhưng anh ấy sớm nhận ra hệ thống giáo dục ở Mỹ và Úc khác xa những gì mà anh ấy đã trải qua ở Việt Nam. “Ở đây, chúng tôi được khuyến khích làm việc tập thể và thuyết trình nhiều hơn. Chúng tôi cũng được chất vấn những điều mà các giáo sư nói”, Chính cho biết.
Một sinh viên khác là Thái Hà nói rằng sau khi thực tập nghiên cứu ở Pháp, anh ấy cảm thấy cuộc sống ở Mỹ dễ thích nghi hơn. “Tôi có thể tìm thấy nhiều nơi có phục vụ món ăn Việt Nam và những người nói tiếng Việt. Có rất nhiều nền văn hóa ở đây, và mọi người thì khác nhau vì vậy sẽ không quá khó để thích ứng”, anh nói.
Ngoài việc đưa các sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ du học, Khoa ECE của Trường Đại học Illinois đang có kế hoạch đưa các cán bộ giảng dạy trong khoa sang Việt Nam để dạy tại Trường Đại học Kỹ thuật & Công nghệ TP.HCM. Trong thời gian họ giảng các khóa học về kỹ thuật điện máy và máy tính bằng tiếng Anh, ông Minh nghĩ rằng sẽ có nhiều sự khác nhau về văn hóa mà các giáo sư sẽ trải qua ở Việt Nam. Và người Việt Nam đang sẵn lòng để được học.
Giáo sư Minh cho biết các sinh viên Việt Nam được đánh giá rất cao ở các lớp học tại Mỹ; thậm chí một người đã giành giải thưởng IEEE về công nghệ chế biến giấy xuất sắc nhất. Giáo sư cảm thấy việc trao đổi giáo dục sẽ là chiếc cầu nối giữa hai dân tộc để hàn gắn những vết thương trong quá khứ và hy vọng rằng Illinois sẽ trở thành một trong những học viện thu hút được đông đảo sinh viên Việt Nam theo học nhất trong tương lai.
Ngân Du (Theo ECE Illinois)

Bình luận (0)