Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Trường ĐH “ảo” đào tạo sinh viên thật

Tạp Chí Giáo Dục

Trường đại học “ảo” tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Những đặc điểm nổi bật của trường này là bài giảng, giáo trình và cách truyền thụ đều được tổ chức và thực hiện một cách đặc biệt để phục vụ những người không có điều kiện đến trường như sinh viên (SV) bình thường vì lý do kinh tế, hoặc địa lý, bị khiếm khuyết cơ thể… Ông Shai Reshef, một nhà hoạt động kinh tế ở California, người sáng lập Trường ĐH Quốc tế Nhân dân nói: “Trên thực tế hàng triệu thanh niên trên thế giới không có điều kiện thụ hưởng chương trình giáo dục ĐH. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng có thể đào tạo SV một cách hiệu quả bằng giá rẻ nhất mà lại không kém phần chất lượng”.
Ý tưởng dân chủ hóa giáo dục và không kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đã nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của nhiều tổ chức nhân đạo, trong đó quan trọng nhất là liên minh Quốc tế về CNTT và liên lạc phục vụ phát triển (trực thuộc Liên hiệp quốc). Hoạt động của nó dựa trên những phần mềm tự do (miễn phí, tương tự như Google) với hơn 800 giáo sư tình nguyện giảng bài trực tiếp trên mạng, SV được tự do ghi lại, lưu hành. Chưa có trường ĐH nào trên thế giới thực hiện nổi một công việc đồ sộ, phức tạp như vậy.
Ông Peter Scott, Giám đốc Viện Truyền thông kiến thức của ĐH Mở ở Anh nói: “Ý tưởng này thật là sáng suốt và chắc chắn sẽ đem lại ảnh hưởng rộng lớn”. Bảo đảm chất lượng các bài giảng là thử thách chính mà Trường ĐH Quốc tế Nhân dân phải vượt qua. Trường này tuy về mặt pháp lý chưa được cấp văn bằng tốt nghiệp chính quy, nhưng vẫn hoạt động nhờ những chuyên viên tình nguyện. Ông Daniel Greenwood, giáo sư về luật ở ĐH Hofstra (gần New York), là một trong những người đó. Ông tình nguyện mỗi tuần làm việc một ngày phục vụ cho trường do ông muốn đóng góp vào việc phổ biến kiến thức nên tham gia vào đề án tiên tiến và đầy tiềm năng này. Ông nói: “Điều làm tôi thích thú nhất, đó là ý tưởng muốn tạo ra một hệ thống có thể phát triển và có lợi cho hàng trăm ngàn SV không có điều kiện theo học ở các trường ĐH như một SV bình thường”.
Hiện trường vẫn còn ở giai đoạn thí điểm nên mới có 178 SV từ khoảng 50 nước đăng ký học. Hiện nay trường đào tạo hai chương trình của năm nhất là quản lý thương mại và tin học (kết thúc trong bốn năm). Người học phải có bằng tú tài 1, nắm vững tiếng Anh và biết sử dụng internet. SV Dan Narita, khoảng 30 tuổi, đăng ký theo học vì thấy chương trình rất “uyển chuyển”, cho phép anh tiếp tục công việc kiến trúc ở Luân Đôn. Anh nói: “Tôi cũng rất thích tính tiên phong của mô hình này”.
Mỗi tuần, các nhóm (khoảng 20 SV) tham gia vào những “lớp ảo”, tương tự như những hội thảo bàn tròn để khai thác một tác phẩm bậc thầy về một vấn đề chuyên môn có trong chương trình. Mỗi SV viết ít nhất bốn bản nhận xét, bình luận, phê phán những ý kiến và luận điểm của bạn. Ngoài ra, họ có thể liên hệ thẳng với giáo sư tình nguyện qua thư từ, điện thoại, internet để trình bày ý kiến của mình, tranh luận nếu cần.
Ông Shai Reshep cũng công nhận rằng, hiện trường vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết, đặc biệt là về vấn đề kinh phí. Bản thân ông đã bỏ ra 1 triệu USD và đang tìm kiếm thêm 5 triệu USD nữa. Thực ra việc học không phải hoàn toàn miễn phí 100%. Đăng ký nhập học phải đóng từ 15 đến 50 USD, tùy theo nơi cư trú. Mỗi kỳ thi phải đóng từ 10 đến 100 USD. So với số tiền mà SV phải đóng nếu theo học những lớp chính quy thì không đáng kể, nhưng nó cũng giúp nhà trường hoạt động thuận lợi hơn. Theo ông Reshep, điều quan trọng nhất là mô hình học này giúp cho những thanh niên muốn được học ĐH mà không có điều kiện, được thực hiện ước mơ của mình.
Phan Thanh Quang
 (theo Courrier international)

Bình luận (0)