Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ truy ngược dấu vết khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản pháo

Tạp Chí Giáo Dục

Các quan chức Mỹ cho rằng khinh khí cầu Trung Quốc đã bay qua đảo Guam và Hawaii của Mỹ ở Thái Bình Dương, trước khi bị gió làm lệch quỹ đạo ở Canada và bay vào không phận lục địa Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên ngày 15-2 tiết lộ với hãng tin Reuters rằng khinh khí cầu Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam và theo lộ trình ban đầu, có vẻ nó đã bay qua đảo Guam. 

Khi trên đường hướng về phía Đông, khí cầu chuyển hướng lên phía bắc, bay đến quần đảo Aleutian ở bang Alaska. Sau đó, khinh khí cầu trôi vào Canada, trước khi gió mạnh đã đẩy nó đến miền Trung nước Mỹ.

Sau cùng, quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4-2.

Theo tờ The Washington Post, các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ đã theo dõi khinh khí cầu Trung Quốc trong gần một tuần kể từ khi nó cất cánh từ căn cứ tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) trước khi bắn hạ nó.

Mỹ truy ngược dấu vết khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản pháo - Ảnh 1.

Vật thể bị cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ ngày 4-2 ở Nam Carolina. Ảnh: Reuters

Nguồn tin của đài CNN cho biết sau khi theo dõi khinh khí cầu một thời gian, các quan chức Mỹ tin rằng nó sẽ hướng tới đảo Guam, có khả năng khí cầu giám sát các cơ sở quân sự trên đảo.

Thế nhưng, khinh khí cầu bất ngờ đi về phía Bắc và băng qua Alaska, Canada, sau đó đi xuống, quay trở lại Mỹ, qua phía Bắc Idaho và di chuyển về phía bang Montana thuộc Tây Bắc nước Mỹ.

Một số quan chức Mỹ nói rằng do khinh khí cầu bất ngờ rẽ về phía Bắc, các nhà phân tích đang xem xét khả năng Trung Quốc không có ý định dùng thiết bị giám sát trên không trên không phận Mỹ.

Mô hình thời tiết do CNN thực hiện cho thấy có thể các luồng gió vào thời điểm đó đã chuyển hướng khinh khí cầu về phía Bắc tới Alaska.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nghĩ rằng khí cầu Trung Quốc đã bay trên các địa điểm nhạy cảm và cố gắng thu thập thông tin tình báo, khi khinh khí cầu bay qua bầu trời Montana.

Mỹ truy ngược dấu vết khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản pháo - Ảnh 2.

Hải quân Mỹ trục vớt mảnh vỡ khinh khí cầu trên biển ở ngoài khơi bang Nam Carolina. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước vụ việc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục "trao đổi và tìm cách hiểu nhau" bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc mới đây.

Trước đó, ngày 3-2, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sự xuất hiện ngoài ý muốn của một khinh khí cầu dân sự đến từ Trung Quốc trong không phận Mỹ là do bất khả kháng. Do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến, theo Tân Hoa Xã.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá khi điều động tiêm kích tàng hình F-22 và sử dụng tên lửa AIM-9X bắn hạ khinh khí cầu.

Bắc Kinh cũng cáo buộc các khinh khí cầu tầm cao của Mỹ từng bay qua Tân Cương, Tây Tạng và cảnh báo họ sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả. Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 15-2 nói: "Không có sự chấp thuận từ Trung Quốc, các khí cầu Mỹ đã bay bất hợp pháp ít nhất 10 lần vào không phận của chúng tôi, bao gồm Tân Cương, Tây Tạng và các khu vực khác".

Nhà Trắng bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc.

Washington đã thêm 6 thực thể Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến chương trình khinh khí cầu được cho là có mục đích do thám của Trung Quốc vào danh sách đen.

Theo Huệ Bình/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)