Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Tụt hậu về dân số có trình độ đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Mục tiêu giáo dục của Mỹ là đến năm 2020 sẽ có 5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học

Nước Mỹ đang dần đứng sau nhiều quốc gia về tỷ lệ dân số có bằng đại học. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự suy giảm này sẽ gây hậu quả về xã hội và kinh tế cho nước Mỹ.
Trong thập niên 1980, Mỹ là nước dẫn đầu về lực lượng lao động có trình độ đại học. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Ủy ban Đại học Mỹ, trong số 36 quốc gia phát triển, Mỹ đang xếp thứ 12 về lượng dân số ở độ tuổi 24 đến 34 có bằng đại học. Trong khi đó, Canada lại dẫn đầu thế giới về trình độ nhân lực với 56% dân số độ tuổi từ 25-34 có ít nhất một bằng đại học.
Báo cáo này còn cho thấy, không tới 40% dân số ở độ tuổi trưởng thành của Mỹ có trình độ đại học. Và mặc dù hầu hết các học sinh tốt nghiệp trung học đều ghi danh vào đại học, chỉ có 56% được nhận bằng tốt nghiệp trong vòng sáu năm. Tỷ lệ bỏ học càng cao hơn ở các đại học cộng đồng, nơi chỉ có 38% tốt nghiệp trong vòng ba năm.
Tác động kinh tế
Báo cáo này không đưa ra nguyên nhân bởi có quá nhiều lý do, nhưng báo cáo cũng đồng thời trích dẫn việc chuyển tiếp từ bậc trung học sang hệ đại học như một nguyên nhân chính. Chẳng hạn, ủy ban này thấy rằng hơn 1/4 sinh viên đại học Mỹ cần phải rèn luyện lại các kỹ năng văn và toán học.
Ở Đại học Cộng đồng Bắc Virginia mùa này, các nhà cố vấn giáo dục đang giúp sinh viên chọn các môn học và dịch vụ cần thiết cho niên khóa tới. Mark Mannheimer, một nhà cố vấn ở đây cho biết sinh viên học kém không hẳn vì chương trình đào tạo của trường mà còn vì nhiều lý do khác, trong đó việc học phí không ngừng tăng cao khiến cho sinh viên phải có sự điều chỉnh giữa thời gian dành cho việc học và công việc làm thêm. “Chắc chắn các em không thể hy sinh việc làm thêm vì đó là thứ tạo ra tiền bạc. Nên cuối cùng, các em đành phải bỏ mặc việc học dẫn đến điểm số bắt đầu sụt giảm và ngay khi thấy mình kém điểm dần các em sẽ nhanh chóng mất niềm tin. Từ đó không ghi danh học tiếp nữa”, ông Mannheimer cho biết.
Trong khi đó, nhà tư vấn về học bổng Samaritan Johnson nhận định rằng mỗi năm nhu cầu của sinh viên càng tốn kém và phức tạp hơn. Johnson cho hay: “Từ thanh thiếu niên đến những bà mẹ độc thân, những người mất việc làm đều có xu hướng quay về học đại học để kiếm một tấm bằng nên chúng tôi quá tải sinh viên”.
Mất lợi thế cạnh tranh
Ông Gaston Caperton, Chủ tịch Ủy ban Đại học Mỹ nói: “Tình trạng dân chúng Mỹ tụt giảm về trình độ đại học là vấn đề nghiêm trọng. Dân chúng Mỹ không hiểu rằng chưa bao giờ việc giáo dục lại quan trọng như lúc này”. Theo ông, Mỹ đang mất dần lợi thế cạnh tranh trên thế giới vì không cung cấp đủ nguồn nhân lực có trình độ cần thiết cho những công việc lương cao ở bên trong nước Mỹ.
Không phủ nhận những ý kiến của các nhà cố vấn trên, ông Caperton cũng cho rằng lý do khiến nước Mỹ tụt hậu về dân số có trình độ đại học là vì từ mẫu giáo đến trung học, học sinh không được hưởng một nền giáo dục chất lượng và nếu các em đeo đuổi tới bậc đại học thì lại không có sự tập trung vào chuyên ngành. Caperton nói: “Quá nhiều học sinh chọn đại học cộng đồng vì họ không biết chọn chuyên ngành gì để học”.
Năm trước, Tổng thống Mỹ Obama đã đặt mục tiêu đến năm 2020 nước này sẽ có 5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Bill & Melinda Gates cam kết sẽ đóng góp 110 triệu USD để giúp các đại học cộng đồng cải tiến các chương trình đào tạo nhằm giúp tăng cao tỷ lệ tốt nghiệp đại học.
Tình trạng “thâm thủng giáo dục” ở Mỹ hiện nay được xem là vấn đề đầy cấp bách và đe dọa chẳng kém gì cơn khủng hoảng kinh tế hiện thời. “Nếu bạn muốn có một công việc tốt và thu nhập cao, bạn phải có nền giáo dục tốt hơn. Hiện tại, dân chúng Mỹ hết sức quan tâm đến điều này”.
(Theo NPR, CBS)
Yên Nhạn

Bình luận (0)