Ngày 17/4, Bộ Tài chính Mỹ đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Mianma nhằm cho phép các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ một số hoạt động nhân đạo, tôn giáo và giáo dục tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo thông cáo của Văn phòng Giám sát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, tùy thuộc vào những hạn chế nhất định, các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng để cho phép các dự án đầu tư đáp ứng những "nhu cầu con người cơ bản", xây dựng nền dân chủ và quản lý, giáo dục, tôn giáo, thể thao hiệu quả cũng như phát triển phi thương mại tại quốc gia này. Cụ thể, các dự án này bao gồm việc hỗ trợ những người thất nghiệp trong nước, xây dựng các trường Anh ngữ cũng như cung cấp quần áo, lương thực và thuốc. Mỹ cũng dự định từng bước cho phép các công ty của Mỹ đầu tư tại Mianma cũng như xuất khẩu các dịch vụ tài chính khác.
Cùng ngày, Ngoại Trưởng Mỹ Hilary Clinton cũng gửi thông điệp đến Mianma nhân dịp Lễ hội té nước mừng Năm mới tại quốc gia này, theo đó ghi nhận việc Nây Pi Đô đang tiếp tục "đi trên con đường lịch sử hướng đến dân chủ và phát triển kinh tế". Bà Clinton nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Mianma để tăng cường và củng cố sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước.
Đây là một trong nhiều biện pháp mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục đưa ra sau khi các cuộc bầu cử mới đây tại Mianma nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Trước đó, ngày 4/4, Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố Mỹ sẽ nới lỏng một số lệnh cấm vận đối với Mianma, bao gồm một số qui định về tài chính, đầu tư và đi lại, đồng thời nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ đến Mianma để khôi phục lại hoàn toàn quan hệ ngoại giao nhằm đáp lại sự tiến bộ trong tiến trình cải cách tại quốc gia Đông Nam Á này.
Cũng trong ngày 17/4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton tuyên bố EU sẽ dỡ bỏ thêm một số lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Nam Á này. Bà Ashton cho biết EU hiện đang tích cực chủ động hợp tác với Mianma nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách dân chủ cũng như góp phần cho sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của Mianma, đồng thời bày tỏ mong muốn tiến tới việc xây dựng mối quan hệ đối tác với quốc gia này. Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao của EU, dự kiến ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp tại Luxembourg (Bỉ) vào đầu tuần tới để thảo luận và ra quyết định cuối cùng về vấn đề ngừng cấm vận kinh tế đối với Mianma. Giới quan sát cho rằng động thái này của EU có thể sẽ tạo áp lực đối với Mỹ phải đưa ra hành động tương tự nhằm cạnh tranh kinh doanh.
Các thông báo trên của Mỹ và EU được đưa ra một ngày sau khi Ôxtrâylia và Na Uy tuyên bố nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Mianma. Theo đó Canbêra sẽ dở bỏ lệnh cấm vận về nhập cảnh và tài chính đối với Tổng thống Mianma Thein Sein và hơn 200 cá nhân khác, trong khi Ôxlô cũng quyết định dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nây Pi Đô, song vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí và trang bị quân sự.
TTXVN/Tin tức
Bình luận (0)