Khi học sinh xếp hàng vào Trường Trung học Số 1 vào ngày thứ hai 2-6, ngày đầu tiên đến lớp từ khi lốc xoáy ập đến Myanmar cách nay một tháng, mọi con mắt đều hướng lên trời – nhìn vào lỗ hổng lớn trên mái nhà.
Trường nằm ở Thuwana, ngoại ô mạn Nam của Yangon, là một trong số ít nhất 4.100 trường bị hư hỏng hay sụp đổ do lốc xoáy Nargis, theo UNICEF.
Cơn lốc xoáy đổ vào giữa lúc học sinh đang nghỉ hè, đến tận cuối tháng 5. Chính phủ hoãn qua 2-6 mới bắt đầu khóa học mới đối với những trường trong vùng bị thiệt hại nặng nhất thuộc châu thổ Irrawaddy, nơi nhiều làng bị xóa mất trên bản đồ.
Nhưng hầu hết trường mở cửa lại đúng ngày thứ hai quanh Yangon, mặc dù lo ngại cho an toàn đối với học sinh của một số giáo viên, phụ huynh và các nhóm cứu trợ quốc tế.
Tại Trường Trung học Số 1, các lớp học diễn ra với các thanh sắt gỉ làm trần treo lủng lẳng trên đầu. Gió đã thổi bay các cửa sổ và đục nhiều lỗ hổng trong những bức tường mỏng, và theo một giáo viên, thổi bung cả nền móng trường, nên trường chắc chắn phải xây lại.
San Aye, mẹ một học sinh 12 tuổi, nói: “Tôi rất lo trời đổ mưa. Nếu mưa trong trường, bọn trẻ bị bệnh mất.”
Bà vẫn ủng hộ quyết định các trường mở cửa, bởi bà nghĩ bất kỳ trì hoãn nào cũng khiến học sinh không theo kịp chương trình – quan tâm rộng rãi của cả nước, nơi nền giáo dục được đánh giá cao và tỉ lệ học sinh ghi tên học tiểu học là 82% đối với nam và nữ, theo UNICEF.
Nhưng Khin Yir, một giáo viên thuộc vùng ngoại ô Hlaing Thar Yar nằm về mạn Bắc Yangon, nói cô cho rằng mở cửa trường học quá sớm là một “chọn lựa tồi”.
Cô kể cơn bão với sức gió hơn 200 km/giờ đã thổi bay mái của hai trong ba tòa nhà trường cấp ba của cô và mưa lớn gây ngập lụt. Cô yêu cầu không nêu tên trường do sợ chính quyền trả thù do cô dám nói chuyện với nhà báo.
Khin Yir, trong bộ đồng phục chuẩn áo sơ-mi trắng váy longyi dài xanh lá cây – sarong truyền thống của nam giới và phụ nữ Myanmar – nói: “Các giáo viên chúng tôi cố cứu mọi thứ, nhưng cơn mưa làm hỏng sạch. Chúng tôi dùng tay lau khô càng nhiều sách càng tốt và thật đáng vui mừng vì nay chúng tôi phải sử dụng tới chúng. Chúng tôi không hề được cung cấp thêm sách mới nào.”
Khin Yir nói cô lo cho an toàn của học sinh và quan tâm đến làm thế nào giúp các em vượt qua chấn thương tinh thần do cơn bão gây ra, khiến ít nhất 134.000 người chết hoặc mất tích và hơn 2 triệu người mất nhà cửa.
Ngay tại Yangon, thành phố lớn nhất, có nhiều trường cần sửa chữa đến nỗi mái nhà nhiều trường không kịp lợp khi các lớp học bắt đầu.
Trường Tiểu học Số 20 là một trong số ít trường may mắn: Trường mở cửa ngày 2-6 với mái tôn mới sáng loáng tại nhà trường một tầng nằm tại vùng ngoại ô Dagon, mạn Bắc Yangon, và hàng chữ “An toàn trên hết” viết trên tường.
Mặc dù may như vậy, một số phụ huynh vẫn tỏ ra lo sợ khi lớp học bắt đầu.
Khin Myo nói: “Gửi con gái tới trường là một gánh nặng đối với tôi,” khi bà rời đưa con 6 tuổi. Cơn bão đã khiến nhà bà bị hỏng nặng và phá hủy cửa hàng bán hành và ớt, nơi bà kiếm sống. Bà kể: “Tôi vẫn chưa thể sắp xếp cuộc sống. Tôi mong trường mở cửa sau đấy một tháng”.
Sách giáo khoa và đồng phục học sinh giá 25.000 kyat (25 USD) mỗi năm học, tương đương tiền lương 3 tuần một lao động trung bình tại đất nước nghèo khổ này.
Tại Trường Trung học Số 1, không tới phân nửa trong số 385 học sinh ghi tên đến trường vào ngày 2-6, và một giáo viên cho rằng có thể do phụ huynh các em không thể kiếm đủ tiền hoặc chở con em mình tới trường. Giáo viên này cũng yêu cầu không nêu họ tên vì sợ sẽ bị chính quyền trừng phạt.
Tom Miller, Giám đốc điều hành một chương trình cứu trợ của Anh, nói quay trở lại trường “là một phần sống còn của tiến trình phục hồi.” Theo ông: “Nếu được tổ chức thích hợp, trường học có thể dùng làm nền tảng mạnh để phục hồi toàn thể cộng đồng. Nhưng mở lại trường trước khi sẵn sàng có thể gây hại cho học sinh hơn làm lợi. Những khoảng không gian đáng lẽ an toàn cho trẻ lại trở thành những khu không an toàn nếu học sinh quay lại những kiến trúc bị hư hại với các nhân viên không được trang bị gì để giúp các em”.
Trong vùng châu thổ nằm dưới thấp, nơi hạ tầng cơ sở chỉ còn là những đống gạch vụn và vật liệu kiến trúc cơ bản thiếu hụt trầm trọng, những ngôi trường bị hư hỏng dường như không thể nào tái thiết sớm, theo đại diện UNICEF tại Myanmar, bà Ramesh Shrestha.
Bà nói khi lớp học tiếp tục trở lại, sẽ được lợp bằng lều bạt và những vật dụng tạm thời khác.
Còn theo một số giáo viên, Chính phủ đã sắp xếp một số trường còn đứng vững sau cơn bão mở hai lớp sáng và chiều, thu nhận học sinh từ những trường đã bị sụp đổ.n
quang hùng (theo AP)
Bình luận (0)