Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Năm 2009: Ngành nghề nào sẽ nóng?

Tạp Chí Giáo Dục

Người LĐ tìm kiếm cơ hội việc làm tại các phiên giao dịch việc làm.

Bước sang năm 2009, cùng với biến động từ nền kinh tế, nhu cầu lao động của một số ngành nghề sẽ "đổi ngôi" cho nhau.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động – việc làm: Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực có trình độ vì nguồn cung nhân lực có trình độ sẽ không khác nhiều so với tình hình hiện nay.

Tư vấn luật… hút hàng"

Tư vấn luật được đánh giá là nghề sẽ có sức hút lớn về nhân lực trong năm 2009. Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã bước vào sân chơi quốc tế nên vấn đề pháp lý càng trở nên quan trọng đối với các DN.

Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga – TCty Bảo Việt Nhân thọ cho rằng: "Sau nhiều vụ bị thua kiện trong các tranh chấp thương mại quốc tế do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không coi trọng pháp luật và đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, quan hệ làm ăn buôn bán của các DN Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia thì nhu cầu về luật sư càng nhiều. Ngoài việc thuê tư vấn luật độc lập từ các văn phòng luật sư, Cty tư vấn luật, thì các DN đều có bộ phận/phòng pháp chế riêng để phục vụ cho nhu cầu kiểm soát, quản lý rủi ro pháp lý, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của mình".

Truyền thông, marketing phát triển

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, các DN phải tìm đủ mọi cách để sản phẩm mình làm ra có thương hiệu và chỗ đứng trong khách hàng. Đây là cơ hội cho ngành truyền thông, marketing phát triển. Nhu cầu về nhân lực ngành này không chỉ đến từ các Cty chuyên về truyền thông, tổ chức sự kiện mà còn đến từ bản thân các DN.

Thực tế, trong nửa năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực trong hai lĩnh vực này luôn ở mức "cung không đủ cầu". Thống kê trực tuyến trên trang web về việc làm của Vietnamworks.com cho thấy: Tiếp thị, truyền thông thuộc những ngành có cầu nhân lực cao nhất hiện nay.

Cùng với đó, ngành marketing và quảng cáo tại Việt Nam còn thiếu các  chuyên gia thực sự giỏi. Bà Vũ Thu Mai – Giám đốc Cty truyền thông M3, cho hay: "Cty tôi luôn có nhu cầu tuyển nhân viên, nhưng rất khó tuyển được người do không đạt yêu cầu và non kém về kinh nghiệm. Những người giỏi một chút lại có nhu cầu đứng ra lập Cty riêng nên luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực".

Nhân lực cao cấp vẫn khan hiếm

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động- việc làm: Năm 2009 vẫn tiếp tục khan hiếm nhân lực cao cấp. Các giám đốc tài chính (CFO) giỏi, có trình độ và kinh nghiệm ngang tầm quốc tế đồng thời hiểu rõ thực tiễn trong nước cũng đang rất hiếm trên thị trường. Ứng viên cho các vị trí CEO (tổng giám đốc điều hành) và COO (giám đốc hành chính) lại càng hiếm do thiếu kinh nghiệm xét về độ tuổi lẫn mức độ cọ xát thực tế.

Bà Winnie Lam – Giám đốc Bộ phận Tư vấn Nhân sự của Navigos Group cho rằng, tuyển chọn một ứng viên cao cấp có trình độ chuyên môn giỏi và nổi bật không quá khó, nhưng tìm cho được một người có các kiến thức và kỹ năng tổng quát khác mà đặc biệt là về tài chính và marketing- vốn cần thiết đối với một nhà quản lý- thì không dễ chút nào. Nhân lực Việt Nam vẫn còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm so sánh với nguồn nhân lực cùng cấp độ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chứng khoán, ngân hàng, CNTT hạ nhiệt

Những ngành nghề thuộc hàng "top" trước đây như chứng khoán, ngân hàng và quỹ đầu tư đã không còn nóng và đây là dịp tự điều chỉnh và loại bớt một số nhân lực tuy gọi là cao cấp, nhưng chưa thực sự trưởng thành.

Một ngành thuộc diện "hot" trong những năm qua là công nghệ thông tin (CNTT) cũng đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế. Nếu như năm 2007 và 2008, sinh viên CNTT ra trường không lo thất nghiệp, thì năm 2009, nhiều chuyên gia dự báo, sẽ có 15%-20% nhân viên CNTT thất nghiệp.

Năm 2009 cũng được xem sẽ là năm phẳng lặng của nhân lực ngành xây dựng, du lịch và dịch vụ. Lý do được đưa là trong thời khủng khoảng tài chính, nhu cầu và sức tiêu dùng ở lĩnh vực này sẽ sụt giảm.

 
Ngọc Bảo (laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)