Dự kiến năm 2009, thí sinh có nguyện vọng (NV) học các trường CĐ sẽ phải đăng ký thi “nhờ” các trường ĐH để lấy kết quả xét tuyển.Nếu được đồng thuận thì số thí sinh đăng ký dự thi năm tới sẽ giảm khoảng 1 triệu so với năm 2008 (gần 2,2 triệu) – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi cho biết sáng 27/11.
Thí sinh hết “cơ hội” thử sức?
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, năm 2009, Bộ GD – ĐT có chủ trương chỉ tổ chức hai đợt thi ĐH gồm: Đợt 1 khối A và V (trong hai ngày 4-5/7/2009); Đợt 2 thi khối B, C,D và các khối năng khiếu (trong hai ngày 9-10/7/2009).
Tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, cùng khối thi.
Không còn thi CĐ đồng nghĩa thí sinh hết “cơ hội” thử sức trên “trường đua” vào ĐH? Khi đó thí sinh chỉ có thể chọn học trung cấp chuyên nghiệp ngay sau kết thúc 12 năm học phổ thông, hoặc thi ĐH để hướng đến 2 đích: vào ĐH và xét tuyển vào các trường CĐ.
Phó Vụ trưởng Ngô Kim Khôi nhìn nhận, nếu chủ trương nhận được đồng thuận sẽ giảm tối đa lượng hồ sơ đăng ký dự thi “ảo”, giảm tốn kém, lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, bỏ thi CĐ nhưng thí sinh vẫn có 3 cơ hội vào ĐH, CĐ như năm trước. Nghĩa là, đối với những thí sinh thi “nhờ” các trường ĐH để lấy kết quả xét tuyển CĐ vẫn nhận đủ giấy chứng nhận kết quả thi số 1, và số 2 (nếu không trúng tuyển NV1). Trường CĐ sẽ có nhiệm vụ trả cho thí sinh để xét tuyển vào các trường CĐ khác còn chỉ tiêu...
Tiết kiệm khoảng 600 tỷ đồng?
Từ kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm, ông Ngô Kim Khôi tính toán: số thí sinh “ảo” ở mùa tuyển sinh năm 2008 cả 3 đợt khoảng trên dưới 1 triệu trong tổng số 2,2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, “ảo” chủ yếu đổ về đợt 3.
“Với 600.000 hồ sơ đăng ký thi CĐ, số đến thi chỉ đạt 400.000. Số này phần lớn đã dự thi ĐH nên mới có tình trạng: các trường CĐ phải kéo dài thời gian tuyển sinh vì thí sinh đã trúng tuyển ĐH không đến nhập học CĐ” – ông Khôi nói.
Còn theo một chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH, bỏ thi CĐ ít nhất sẽ giảm được khoảng 600.000 thí sinh dự thi CĐ đợt 3. Nếu tính trung bình 1 thí sinh chi phí hết 500.000 đồng sẽ tiết kiệm được 300 tỷ đồng; còn nếu chi phí hết 1 triệu/ thí sinh thì sẽ tiết kiệm được 600 tỷ đồng….
Vậy nên, ngay sau khi chủ trương phát ra 1 ngày, một số trường như: CĐ Phương Đông, CĐ Phát thanh – truyền hình, CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM… đã ủng hộ, ông khôi cho biết.
Tuy nhiên, Bộ sẽ phải cân nhắc kỹ để việc cải tiến không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Vì nếu không trúng tuyển vào trường CĐ thí sinh có NV1 theo học thì việc đăng ký xét tuyển các NV tiếp theo sẽ như thế nào để đúng quy định cùng khối thi?
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: Riêng các trường CĐ thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật và các trường CĐ có đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật, được sử dụng kết quả thi ĐH cùng khối thi để xét tuyển (các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường ĐH) hoặc sử dụng kết quả thi ĐH các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ và chỉ thi các môn năng khiếu” |
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Ngô Kim Khôi: Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có lực chọn phù hợp với khả năng, hết ngày 5/12 Bộ sẽ tập hợp đề xuất của các trường CĐ. Nếu không có ý kiến trái chiều – Bộ sẽ công bố quyết định chính thức. Từ đó sẽ có điều chỉnh sửa đối quy chế thi tuyển sinh. |
Tùng Linh
Theo Vietnamnet
Thí sinh thi vào Học viện Quan hệ quốc tế năm 2008. Năm 2008, có gần 100 trường CĐ không tổ chức thi mà lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bình luận (0)