Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2009: Thất nghiệp sẽ… bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

 

Liệu công nhân còn có cơ hội vác đơn xin việc như thế này vào năm 2009? Ảnh: N.Đ

“Thất nghiệp ở Việt Nam không diễn ra ồ ạt như các nước mà trễ hơn một chút, khoảng đầu năm sau”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã trả lời báo chí như vậy về vấn đề thất nghiệp của Việt Nam trước cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu tại hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15-12-2008.
Thất nghiệp đang gia tăng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, đến giờ Bộ vẫn chưa có con số thất nghiệp cụ thể. Cách đây mấy tuần, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các sở yêu cầu doanh nghiệp khảo sát, báo cáo tình trạng thất nghiệp do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhìn chung, tại thời điểm này, mức độ thất nghiệp của ta chưa phải trầm trọng. Thất nghiệp ở Việt Nam không diễn ra ồ ạt như các nước mà trễ hơn một chút, khoảng đầu năm sau. Tuy nhiên, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: Đầu và giữa năm nay, mỗi phiên có hơn 100 công ty tham gia, đăng ký tuyển 5.000-6.000, thậm chí 8.000 lao động. Hai tháng gần đây chỉ khoảng 90 đơn vị tham gia, đăng ký tuyển 3.000-4.000 lao động. Nhiều công ty đăng ký tuyển, nhưng gần đến phiên giao dịch lại hủy. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin từ các quận huyện thì lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới đã khiến một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội bị phá sản. Điển hình là Công ty đèn hình Orion – Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội). Sau nhiều lần làm việc với UBND thành phố và đại diện công đoàn, liên doanh này đã tính đến hai phương án, hoặc nộp đơn ra tòa xin phá sản; hoặc bán lại cho doanh nghiệp khác. Việc chấm dứt hoạt động của Orion – Hanel đã đẩy khoảng 1.000 lao động lâm vào cảnh mất việc làm, đời sống khó khăn.
Teo tóp thị phần XKLĐ
Trong dự thảo chiến lược giáo dục 2008 – 2020 lần thứ 12 (dự thảo mới nhất) của Bộ GD-ĐT có đưa ra mục tiêu rất cụ thể về xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết 5 năm tới, Việt Nam sẽ cung cấp được đội ngũ lao động phục vụ yêu cầu xuất khẩu lao động và có thể bước chân vào hàng ngũ các nước có thể cạnh tranh về xuất khẩu nhân lực. Tại   hội nghị việc làm và XKLĐ do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có nêu ra một hiện tượng cụ thể hiện nay ở nước ta, dù đã có gần 2.000 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 100 trường cao đẳng, 600 trường trung cấp dạy nghề… nhưng việc đào tạo giữa những người học, cơ sở đào tạo, cũng như gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở nước ta còn có những hạn chế, yếu kém. “Tôi rất buồn khi người lao động Việt Nam sang các nước không có nghề, phải làm những việc kém, đôi khi làm mất danh dự của lao động Việt Nam” – Phó thủ tướng nói. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, riêng đối với công tác XKLĐ phải đào tạo về ngoại ngữ, về văn hóa truyền thống phong tục tập quán, đào tạo về pháp luật để người lao động khi sang đến nơi dễ hòa nhập và yên tâm lao động. Các trung tâm đào tạo nghề trong nước phải đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp ngoài nước và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bằng chất lượng người lao động. Phó thủ tướng cũng cảnh báo, Việt Nam có lợi thế lao động trẻ, năng động sáng tạo… nhưng nếu không giải quyết tốt lợi thế của lao động thì lao động trẻ cũng sẽ già đi.
Hiện tại, các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng đang lao đao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Ông Trần Hoàng Khánh, Phó giám đốc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sông Đà (Simco) cho biết, 6-7 tháng nay nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của đối tác nước ngoài đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Những hợp đồng đã ký kết thì tiến độ đưa người đi rất chậm. Theo phân tích của doanh nghiệp, hiện nay hầu hết thị trường lao động của Việt Nam đều gặp khó. Malaysia, nơi tiếp nhận nhiều nhất (khoảng 30.000 lao động) thì năm nay đã không còn được ưa chuộng vì lương thấp và tâm lý e ngại rủi ro. Từ đầu năm đến nay, thị trường này tiếp nhận hơn 7.000 lao động Việt Nam. Thị trường Đài Loan năm nay vươn lên đứng đầu về khả năng tiếp nhận (đã đưa trên 30.000 người), nhưng mấy tháng cuối năm lại có dấu hiệu chững lại. Lý do là nhiều doanh nghiệp sản xuất ngưng trệ, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ công xưởng.
Suy thoái kinh tế không chỉ mang đến hệ quả lao động trong nước thất nghiệp mà lao động xuất khẩu cũng đang trong tình trạng tương tự. Cần phải có những dự báo và các bộ ngành liên quan cần phải có chính sách giải quyết kịp thời, nếu không, hậu quả rất nặng nề đối với đời sống xã hội.
Thiên Lam

 

Bình luận (0)