Sự kiện giáo dụcTin tức

Năm 2010 các trường đại học phải công bố chuẩn đầu ra

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-11 tại 5 điểm cầu (Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ), Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH với sự tham gia của 220 trường ĐH trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, năm học này, khối các trường ĐH thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 tiếp tục giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như năm 2009. Các trường thực hiện 3 công khai theo thông tư hướng dẫn của bộ. Các cơ sở GD-ĐT nào không công bố 3 nội dung cần công khai theo yêu cầu trên trang web của trường và tại các nơi được quy định tại thông tư thì sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh 2010. Đối với nhiệm vụ đào tạo, quý IV/2009, bộ hướng dẫn các trường xây dựng chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó trong năm 2010 các trường thực hiện việc công bố chuẩn đầu ra. Cuối năm 2009, tất cả các trường có tổ chức chuyên trách để đánh giá tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm… Để thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm này, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp chính. Trong đó, nhóm giải pháp đổi mới quản lý hệ thống giáo dục ĐH được lựa chọn là nhóm giải pháp thứ 2. Nhóm giải pháp này, bộ sẽ đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh. Kiểm tra tại cơ sở giáo dục trước khi mở ngành 3 tháng; 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại 1 lần. Hoàn thành quy chế mới vào tháng 12-2009. Đồng thời cũng sẽ tiến hành triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, đảm bảo mục tiêu 60% sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá vào năm 2020.
PGS.TS Thái Bá Cần (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) trình bày những khó khăn gặp phải tại trường trong quá trình thực hiện chuẩn đầu ra. Trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV rất thấp. Qua khảo sát, chỉ 10% SV trường theo kịp thời lượng chương trình được công bố theo chuẩn đầu ra. Ông Cần cho rằng trong thực hiện chuẩn đầu ra, ngoài sự nỗ lực của chính các trường rất cần Bộ GD-ĐT hỗ trợ. Đơn cử, chính Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cần được tăng cường rà soát chương trình, phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng như cách học của SV. TS. Lê Đình Viên (Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Kinh tế Long An) đề nghị bộ nên giao quyền tự chủ cho các trường. Theo TS. Viên, giáo dục ĐH nước ta chưa tháo gỡ được nút thắt cơ bản của vấn đề đó là chưa thay đổi được tư duy bao cấp. Bộ nên chuyển quyền kiểm tra, đánh giá các trường đại học cho các sở ban ngành (đặc biệt là sở GD-ĐT) thay vì nếu tự mình thực hiện bộ phải mất trên 3 năm mới kiểm tra hết. Đại diện ĐH Cần Thơ cũng chia sẻ kinh nghiệm công tác tổ chức đánh giá giảng viên. Một trong những hình thức đánh giá là thông qua email và diễn đàn. Mỗi SV trường đều có địa chỉ email riêng và trường phản hồi những ý kiến thông qua email đó. Đánh giá thông qua diễn đàn, người tham gia không nhất thiết phải công khai tên tuổi nên khá “mạnh dạn”. Theo nhận định, hình thức đánh giá như thế này sẽ rất hiệu quả và kịp thời khi chuyển sang học tập theo học chế tín chỉ. Đại diện ĐH Sư phạm Huế cũng nêu lên thực tế, việc đánh giá giảng viên tại trường trong các năm qua chưa thực sự hiệu quả lắm. Đại biểu này đề nghị, cần đề ra biện pháp chế tài cụ thể sau khi đánh giá sẽ hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Năm học này cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với các trường ĐH trực thuộc. Các trường cũng phải rà soát lại các quy chế hoạt động của mình. Trong thời gian tới, các trường cần chấm dứt tình trạng vi phạm kéo dài. Các trường phải tự chịu trách nhiệm. Chấm dứt tình trạng cứ xảy ra chuyện gì là các trường chạy về Bộ GD-ĐT tại 49 Đại Cồ Việt để thưa. Đồng thời, năm học này các trường phải hoàn thiện chuẩn hóa đầu vào, chuẩn hóa quá trình đào tạo đối với sinh viên”. Phó thủ tướng cũng thừa nhận, yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay đó là quy mô tăng nhưng chất lượng không theo kịp.
Được biết, trong năm học 2009-2010, sẽ có 12 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục ĐH được ban hành. Trong đó có các văn bản như nghị định của Chính phủ về phân cấp và phối hợp quản lý giáo dục giữa các bộ, ngành và địa phương; thông tư ban hành quy định về biên soạn giáo trình ĐH, CĐ…
Nghiêm Huê – Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)