Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?: Kỳ cuối: Học phí tăng, đời sống giáo viên sẽ tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Mai Phương (GV Trường Mầm non Bến Thành, Q.1) phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30 để chăm lo bữa ăn sáng cho cháu và nhận được 300 ngàn đồng/tháng (ảnh chụp sáng 20-9-2010)

Mỗi khi Nhà nước rục rịch tăng lương là các mặt hàng đua nhau lên giá. Theo đó, việc tăng lương không phải là giải pháp tối ưu để cải thiện đời sống giáo viên (GV), cách tốt nhất là tăng học phí…
Ngày 1-7-2010, Nghị định 49/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Theo đó, khung học phí tại các trường mầm non và phổ thông trong năm học 2010-2011 sẽ là 40 đến 200 ngàn đồng/tháng/học sinh (khu vực thành thị). Nhiều GV đã vui mừng vì học phí tăng thì đời sống sẽ bớt khó khăn, nhưng vẫn phải chờ…
Học phí: Hơn 10 năm giậm chân tại chỗ
Giá gửi một chiếc xe máy hiện nay rẻ lắm cũng phải 3 ngàn đồng, ở nhiều nơi là 5-10 ngàn đồng. Thật trớ trêu khi tiền gửi một chiếc xe trong vòng vài giờ đồng hồ lại cao hơn tiền vệ sinh bán trú trong 1 tháng. Theo công văn 1842 thì tiền vệ sinh bán trú là 3-5 ngàn đồng/tháng/học sinh.
Hiện nay dịch bệnh lưu hành quanh năm với nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nếu vệ sinh không đảm bảo nguy cơ bùng phát thành dịch tại trường học là rất lớn. Bởi theo các chuyên gia y tế, nơi nào có đông người, chật chội và mất vệ sinh thì nơi đó có nhiều dịch bệnh. Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, bắt buộc các trường phải tăng cường vệ sinh. Mỗi ngày đều phải lau dọn phòng học, bàn ghế, đồ chơi của trẻ bằng nước lau nhà hoặc nước tẩy. Nhà vệ sinh lúc nào cũng phải sạch sẽ với đầy đủ giấy và xà bông. Chỉ với 3-5 ngàn đồng/tháng/học sinh, liệu các trường có thể làm nổi không?!
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Tân Bình cho rằng: “Tiền nào thì của nấy. Thu 5 ngàn đồng thì phục vụ theo kiểu 5 ngàn nhưng sự thật là không thể đủ…”.
“Tiểu học là cấp thiệt thòi nhất, cái gì cũng bị cấm. Trong khi cấp THCS, THPT được mở văn hóa ngoài giờ thì tiểu học bị cấm. Lý do mà những người cấm đưa ra là học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì cớ gì phải học thêm. Cấm nhiều như vậy nhưng bao cấp được bao nhiêu?”, thầy Trần Minh Thư – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 bức xúc.
Sự bức xúc của thầy Thư cũng là nỗi niềm của hầu hết hiệu trưởng các trường tiểu học. Hiện nay, tiểu học là cấp học duy nhất không được thu học phí. Riêng buổi thứ 2, do nhu cầu của phụ huynh nên thu 20-30 ngàn đồng/tháng/học sinh. “Số tiền này dù có dành hết để trả cho GV thì cũng không đủ so với công sức mà các thầy, cô bỏ ra, huống hồ GV chỉ được nhận 65%”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 nói.
Cũng theo cô hiệu trưởng này thì không ít trường không muốn tổ chức dạy 2 buổi vì học phí quá thấp nhưng nếu không tổ chức phụ huynh sẽ la lối, trách móc…
Giá điện, nước, xăng và các mặt hàng thực phẩm khác cứ tăng theo năm, theo quý. Còn học phí, đã hơn 10 năm rồi mà vẫn giậm chân tại chỗ…
Bao giờ tăng học phí?
“Mức lương của GV dù sao cũng đã được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên so với giá cả leo thang từng ngày thì đời sống vẫn còn khó khăn. Bởi vậy nhà trường phải tự tạo ra các nguồn để có thêm thu nhập cho GV. Chẳng hạn như nguồn thu từ căng tin, giữ xe, văn hóa ngoài giờ… Song, do giá chỉ bằng 1/2 so với bên ngoài, trong đó học phí văn hóa ngoài giờ là 25 ngàn đồng/tháng/môn (học phí bên ngoài trên 100 ngàn đồng – PV) nên mỗi tháng GV cũng chỉ được thêm vài trăm ngàn đồng”, cô Đỗ Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp cho biết.
Còn Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 cải thiện đời sống cho GV bằng cách tổ chức bữa ăn sáng cho học sinh. Buổi sáng, phụ huynh đưa con tới trường và GV sẽ chăm sóc bữa ăn cho cháu. Phí phục vụ ăn sáng là 50 ngàn đồng/tháng/cháu. Theo đó, mỗi GV cũng được thêm 300 ngàn đồng/tháng…
Số tiền này thực ra chỉ đủ ăn sáng trong 10-15 ngày chứ khó mà cải thiện hay nâng cao đời sống GV. Vậy cách nào để nâng cao đời sống GV? Những hiệu trưởng và GV mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng phải tăng học phí cũng như các khoản thu khác sao cho tương xứng.
Nghị định 49 đã có hiệu lực, vậy bao giờ sẽ tăng học phí đây?
Cách đây hơn 1 tháng (ngày 18-8), tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2010-2011 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: “Nghị định 49/2010/NĐ-CP không chỉ chăm chăm vào vấn đề tăng học phí mà là quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. TP.HCM chưa bàn đến vấn đề tăng học phí trong đầu năm học mà tập trung vào việc miễn, giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”.
Và TS. Minh cũng thừa nhận là mức thu học phí hiện nay có từ năm 1998 nhưng vẫn không thay đổi. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của nhà trường. “Ngành GD-ĐT sẽ rất cân nhắc việc tăng học phí. Khi nào có sự thống nhất, đồng thuận từ nhiều phía thì mới tăng học phí”, TS. Minh nói.
Điều đó cũng có nghĩa các trường tiếp tục phải chờ, GV tiếp tục phải sống một cách chật vật…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)