Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?: Kỳ I: Lương giáo viên… cận chuẩn nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Với đồng lương như hiện nay, cuộc sống của GV khá chật vật (GV Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 đang hoàn tất học bạ của học sinh)

Cách đây gần 4 năm, ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng và một số giáo sư mới được công nhận chức danh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó thủ tướng) đã nói, đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương. Bây giờ chỉ còn hơn 3 tháng là hết năm 2010, vậy lương của giáo viên đã đủ sống?
Hiện nay, một giáo viên (GV) mới đi làm, mỗi tháng chỉ được lãnh từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. TP.HCM đã nâng mức chuẩn nghèo lên 12 triệu đồng/người/năm, tương đương 1 triệu đồng/tháng. Theo chuẩn nghèo mới này, lương GV chỉ trên chuẩn nghèo một chút.
Nhiều GV thừa nhận khi đã chọn nghề giáo, không ai nghĩ mình sẽ giàu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cứ phải sống một cuộc sống thiếu trước hụt sau. Huống hồ, GV không chỉ có giờ lên lớp mà về nhà còn phải soạn giáo án, tìm tòi cách đổi mới phương pháp dạy học…
Thua lương… osin
“Nếu chúng tôi không chọn nghề giáo mà chọn nghề khác, có lẽ đời sống sẽ khấm khá hơn nhiều”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 tâm tư.
Thật vậy, với thu nhập chưa tới 1,6 triệu đồng/tháng đối với những GV mới đi làm và trên 4 triệu đồng đối với GV có thâm niên gần 30 năm thì nghề giáo là nghề có thu nhập khá “bèo”.
Sau hàng chục năm đứng trên bục giảng, đến nay lương của cô Nguyễn Thị Dung (GV Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, con gái cô mới ra trường và làm việc tại Ngân hàng ACB đã được hưởng mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Trường hợp lương của cha, mẹ làm nghề “gõ đầu trẻ” chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 lương của con như mẹ con cô giáo Dung không phải là hiếm.
Trong khi lương cao gấp đôi lương mẹ nhưng bước ra khỏi công ty là xong một ngày làm việc của con gái cô Dung. Song với cô Dung thì khác. Tan trường, cô còn phải quan tâm đến việc học sinh có về nhà không hay lại la cà chơi game, thậm chí là gây gổ đánh nhau. Về tới nhà, trút bộ áo dài ra nào đã hết việc, cô phải soạn giáo án cho ngày mai, tự học để nâng cao kiến thức với mong mỏi truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách tốt nhất.
Tuy vậy, so với các đồng nghiệp dạy mầm non hay tiểu học, áp lực của cô Dung vẫn còn nhẹ.
Chẳng hạn như trường hợp của cô Trần Đức Bảo Lan (GV Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1). Hàng ngày cô không chỉ tổ chức các hoạt động vui chơi, dạy học cho trẻ mà còn phải cho trẻ ăn, trẻ ngủ. Thậm chí khi trẻ ói, “ị”, cô cũng phải dọn. Buổi chiều, thay vì 4 giờ 30 là về thì 6-7 giờ mới về. Vì: “Phụ huynh gọi điện: “Cô ơi, mẹ đang bị kẹt xe, cô trông con giúp mẹ…”. Về nhà nào đã yên thân. Trẻ hơi nóng một chút, không chịu ăn hay có một vết xước ở người là phụ huynh gọi điện hỏi coi ban ngày ở trường có chuyện gì xảy ra. Với những phụ huynh nóng tính, GV có thể bị mắng vốn. Cực nhọc vậy mà lương chẳng đáng là bao.
Với những công việc mà GV mầm non đang làm, theo bà Lê Thị Liên Hoan – Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM thì chẳng khác nào “osin cao cấp”. Nhưng đáng buồn hơn, lương của “osin cao cấp” lại thua lương osin.
Lương thấp = cuộc sống chật vật

Giáo viên Trường TH Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè, TP.HCM) cho các em ăn buổi trưa tại trường.

Sau 3 năm đi dạy, đến nay lương của cô Hồ Thị Hằng (GV Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp) đã được nâng lên 2.070.000 đồng/tháng. Không có nhà nên hai vợ chồng cô phải đi ở trọ. Trung bình mỗi tháng vợ chồng cô phải trả từ 1,2-1,3 triệu đồng tiền phòng trọ (bao gồm tiền phòng, điện, nước). “Chồng tôi đi làm xa, mỗi tháng tằn tiện lắm cũng chỉ gửi cho vợ được 1 triệu đồng. Số tiền này cộng với tiền lương của tôi sau khi đã trừ tiền phòng trọ thì cũng chỉ đủ ăn. Bây giờ mà có một đứa con, tôi không biết phải làm thế nào”, cô Hằng tâm sự.
Cùng chung cảnh ngộ đi thuê nhà trọ với cô Hằng là trường hợp thầy Hoa Thành Tường (GV Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1). Từ 10 năm nay, trung bình mỗi tháng thầy phải trích từ những đồng lương ít ỏi khoảng 1-1,3 triệu đồng để trả tiền phòng trọ. 27 năm cống hiến cho nghề dạy học, đến nay lương của thầy Tường cũng chỉ có 4 triệu đồng. Sau khi trừ đi tiền nhà, tiền học của các con, gia đình thầy phải sống một cuộc sống khá chật vật.
Những trường hợp cả hai vợ chồng cùng theo nghề giáo, đời sống còn khó khăn hơn nhiều. Trường hợp của thầy Nguyễn Trí Thức (GV Trường THCS Gò Vấp, Q.Gò Vấp) và cô Nguyễn Thị Phương Loan (GV Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp) là một ví dụ. Với 9 năm đứng trên bục giảng, hiện lương của thầy Thức và cô Loan chỉ vẻn vẹn 2,5 triệu đồng/tháng/người. “Cũng may chúng tôi ở nhà bố mẹ chồng nên không mất một khoản tiền phòng trọ. Tuy vậy, từ ngày có con, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Muốn mua sắm cái gì cũng phải đắn đo, suy nghĩ”, cô Loan nói.
Tổng lương của hai vợ chồng cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh và chồng làm bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này may mắn không phải chi tiền thuê nhà, vì “Chúng tôi ở chung nhà bố mẹ tôi”, cô Trinh nói. Tuy vậy, với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học (đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ học lớp 8) nên vợ chồng cô phải chắt chiu từng đồng để đảm bảo cuộc sống thường ngày. “Còn khoảng 7 năm nữa là tôi về hưu, tôi thèm có một căn nhà riêng lắm”, cô Trinh khát khao.
Nỗi khát khao của cô Trinh cũng là niềm mong mỏi của hầu hết GV đang ngày ngày truyền đạt kiến thức tới các em học sinh. Nhưng thực tế lương chẳng đủ ăn thì làm gì có dư mà mua nhà…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)