Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?: Kỳ II: “Năng nhặt” mà không… “chặt bị”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo – Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 trong giờ lên lớp (ảnh chụp sáng 21-9-2010)

Cứ tưởng “năng nhặt” thì sẽ “chặt bị”, nào ngờ… Với mức học phí buổi thứ hai từ 20 đến 50 ngàn đồng, mức học phí buổi thứ nhất từ 15 đến 50 ngàn đồng (tùy từng cấp học, khu vực) thì dẫu có đầu tắt mặt tối từ sáng tới chiều, các thầy giáo, cô giáo cũng chỉ có một cuộc sống từ nghèo cho đến khó.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay thu nhập của giáo viên (GV) từ việc dạy buổi thứ 2 tại các trường tiểu học đều chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Thậm chí có nhiều trường chưa tới 500 ngàn đồng. Thầy Trần Minh Thư – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 cho biết: “Với sĩ số 20-27 học sinh/lớp, trong đó có không ít em khó khăn nên không đóng, theo đó mỗi tháng thù lao dạy buổi thứ 2 của GV chưa tới 300 ngàn đồng/người”…
Học phí 1 tháng = thù lao 1 giờ của osin
Ngày 20-9, đang trò chuyện với chúng tôi thì cô Tôn Nữ Thị Kim Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 có điện thoại. Nghe xong, cô nói: “Cô em dâu gọi điện nhờ tìm giúp một osin làm việc theo giờ, thù lao là 30 ngàn đồng/giờ. Osin không cần phải qua trường lớp gì cả mà được trả thù lao như vậy. Trong khi đó học phí buổi thứ 2 (bậc tiểu học và ở nội thành – PV) cũng chỉ có 30 ngàn đồng/tháng. Hay như phí phục vụ bán trú (từ mầm non đến THPT) là 30 ngàn – 50 ngàn đồng/tháng. Thật là bất công…”.
Theo văn bản số 1842/GDĐT-KHTC (về thu, sử dụng học phí, tiền cơ sở vật chất, thu khác năm học 2010-2011) của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi các đơn vị thì năm học này phí phục vụ bán trú tại các trường mầm non là 30 ngàn – 50 ngàn đồng/học sinh/tháng. Trường Mầm non Bến Thành may mắn được thu 50 ngàn đồng. Với trên 900 học sinh, tổng số tiền mà nhà trường thu được mỗi tháng không phải ít. Nhưng khổ nỗi số tiền này không chỉ để chi cho cán bộ, GV, công nhân viên mà chi cho những khoản chi khác như điện, nước, khấu hao tài sản… Theo đó, mỗi tháng GV cũng chỉ được hưởng thêm 750-850 ngàn đồng/người.
Trong khi lương cao hay thấp phụ thuộc vào bằng cấp cũng như thâm niên công tác thì thù lao buổi thứ 2 lại phụ thuộc vào sĩ số học sinh/lớp ít hay nhiều. Với tổng số 124 học sinh/5 lớp, trung bình mỗi lớp 25 em, thu nhập từ việc dạy buổi thứ 2 của GV Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 có thể nói là cực kỳ thấp. “Mỗi lớp có 25 em, trong đó có 4-5 em không đóng học phí do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tổng thu tiền buổi thứ 2 của 1 lớp là 20 học sinh x 30 ngàn đồng/em = 600 ngàn đồng. 65% chi cho GV chủ nhiệm, GV thể dục, GV năng khiếu… Theo đó, mỗi GV chỉ được 280-300 ngàn đồng/tháng. Tình trạng này cứ kéo dài từ năm này qua năm khác nên GV coi việc dạy buổi thứ 2 là nghĩa vụ, còn số tiền chưa tới 300 ngàn đồng kia là hương là hoa”, thầy Minh Thư – Hiệu trưởng nhà trường tâm tư.
Còn ở Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp, để tạo nguồn thu nhập cho GV, nhà trường đã tổ chức dạy văn hóa ngoài giờ. Nhưng theo văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT thì chỉ được thu 25 ngàn đồng/tháng/môn/học sinh (bằng 1/4-1/5 học phí bên ngoài) nên thu nhập cho GV cũng chẳng đáng là bao.
Lấy nghề nuôi… nghề
Cô Mai Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 tâm sự: “Dù là người chọn nghề hay nghề chọn người thì GV cũng mong muốn sống được với nghề để họ cống hiến hết mình cho nghề. Tuy vậy với mức lương như hiện nay, GV gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó không ít GV phải lấy nghề “tay trái” nuôi nghề “tay phải”… “.
Vậy, nghề “tay trái” của GV là nghề gì? Đã một lần đứng trên bục giảng thì GV không thể ra chợ để mua đi bán lại từng bó rau, con cá. Huống hồ thời gian cũng không cho phép GV làm những việc đó. Bởi vậy, nghề “tay trái” của GV là… làm gia sư.
Cụ thể như trường hợp của cô Nguyễn Thị Phương Thảo – GV Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 và chồng là thầy Lê Công Đức – GV Trường Tiểu học Trương Công Định, Q.6. 10 năm đứng trên bục giảng nhưng đến nay lương của hai vợ chồng cô Thảo cộng lại chưa tới 6,3 triệu đồng/tháng. Số tiền lương ít ỏi này vừa để trang trải chi phí học tập của hai đứa con (đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học mẫu giáo), vừa để lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Và cũng vì không có tiền để thuê nhà bên ngoài nên đến nay gia đình cô Thảo vẫn đang ở chung với 2 gia đình khác (mỗi gia đình 4 người) và hai người chị gái trong một căn hộ chung cư vài chục mét vuông ở Q.10.
“Để có thêm thu nhập, hai vợ chồng tôi đều đi làm gia sư vào buổi tối. Mỗi tháng, mỗi người cũng chỉ được 1 triệu đồng. Số tiền này không nhiều nhưng cũng góp thêm một phần chi phí sinh hoạt của gia đình”, cô Thảo cho biết.
Chiều chiều, sau khi tan trường, thầy Phạm Thanh Tâm – GV Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 vội vã chạy qua Nhà Thiếu nhi Q.1 để dạy thêm môn năng khiếu. Mỗi tháng cũng kiếm được 2 triệu đồng cộng với số tiền lương trên 3 triệu đồng tạm đủ để gia đình thầy trả tiền thuê nhà cũng như sinh hoạt trong gia đình.
Liên tục từ 6 giờ 30 buổi sáng đến 17 giờ 30 buổi chiều làm việc ở trường nhưng để tăng thêm thu nhập, cô Nguyễn Thị Mai Phương – GV Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 cũng phải tranh thủ thời gian giữ trẻ thêm. Do nhu cầu của phụ huynh nên từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30 tối, Trường Mầm non Bến Thành đã tổ chức trông trẻ. Cô Phương là một trong 6 GV xin làm thêm để nhận được 600-800 ngàn đồng/tháng…
Dẫu có đầu tắt mặt tối nhưng với cơ chế như hiện nay, GV rất khó có một cuộc sống ổn định. “Có thực mới vực được đạo”, GV sống khó khăn như vậy, liệu chất lượng giáo dục sẽ như thế nào…?
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)