Cảnh mua bán lấn chiếm trên quốc lộ 1A rất nguy hiểm |
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong năm nay đã được Ủy ban ATGT Quốc gia cụ thể hóa bằng Chương trình hoạt động nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thành viên thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT và làm cơ sở để Ban ATGT các tỉnh, thành phố đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Qua đó hướng tới phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông so với năm 2009.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Với mục tiêu đẩy mạnh phong trào xây dựng “Văn hóa giao thông” trong mọi tầng lớp nhân dân mà Ủy ban ATGT đã đề ra nhằm tạo được sự nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người tham gia giao thông với cộng đồng. Dó đó, Bộ trưởng Bộ GTVT – Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc đảm bảo trật tự ATGT trong năm 2010 tiếp tục tập trung vào những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ đã được bổ sung và chỉnh sửa năm 2008. Theo đó, trọng tâm của công tác ATGT là: Quy tắc giao thông, trong đó tập trung vào các quy định về điều khiển phương tiện lưu thông đúng làn đường, phần đường quy định; đỗ, dừng đúng nơi quy định; thực hiện quy định về nồng độ cồn đối với người điểu khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ; đội mũ bảo hiểm (MBH) cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy hay xe đạp điện; lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô… Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ tập trung tuyên truyền các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy với trọng tâm là các điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện, điều kiện chuyên môn của người điều khiển phương tiện.
Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong thanh thiếu niên, trọng tâm là học sinh và sinh viên để đến năm 2020 có được những công dân đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Nếu như trong giai đoạn hiện nay chúng ta không tập trung tích cực vào việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh thì tình hình trật tự ATGT trong thập niên tới sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Việc xây dựng đất nước công nghiệp sẽ gặp nhiều trở ngại từ trật tự giao thông. Trong khi đó, học sinh, sinh viên hiện nay đã và đang “nhờn luật”, các em đều biết rõ những hành vi như: chưa đủ tuổi mà đi môtô, xe gắn máy, không có giấy phép lái xe mà vẫn vô tư điều khiển xe phân khối lớn chạy trên đường, chở 3 – 4 người và thậm chí là đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường… Tất cả những hành vi kể trên là vi phạm pháp luật nhưng chưa bị nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm, nên người vi phạm bị “lờn thuốc” không biết sợ…
Gia đình – nhà trường – xã hội cùng phối hợp
Đã đến lúc gia đình, nhà trường, đoàn thể, cơ quan cưỡng chế và xã hội cùng phải tác động lên nhận thức của học sinh, sinh viên thường xuyên hơn mới có hiệu quả thiết thực. Trong khi ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông chưa cao thì hoạt động cưỡng chế thi hành pháp luật sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hiệu quả của hai lĩnh vực hoạt động này được tăng thêm nếu thường xuyên kết hợp chặt chẽ với nhau. Thực tế, trong những năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là hoạt động quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến tình hình trật tự ATGT trên từng địa bàn và cả nước. Trong bối cảnh nguồn nhân lực còn hạn chế và trang thiết bị chưa đầy đủ, để công tác này đạt hiệu quả cao nhất cần tổ chức theo từng đợt cao điểm vào những khoảng thời gian trọng điểm như ngày lễ, Tết, các đợt tuyển sinh… hoặc trên địa bàn phức tạp như các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ hay các tuyến sông có mật độ phương tiện lưu thông cao. Bên cạnh đó, cần duy trì tổ chức các đợt xử lý vi phạm theo chuyên đề: xe khách chở quá số người quy định, xử lý vi phạm tốc độ, phương tiện đường bộ hoặc đường thủy chở quá tải, tăng cường xử lý vi phạm qua hình ảnh, từng bước hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cần xử lý đúng người vi phạm, không phân biệt người đó điều khiển phương tiện cơ giới hay xe thô sơ hoặc đi bộ. Hiệu quả công tác tuần tra, xử lý vi phạm sẽ được nâng lên nếu các lực lượng chức năng kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau trong quá trình thi hành công vụ…
NHƯ THỦY
Bình luận (0)