Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2011 – 2015 sẽ chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Giai đoạn 2 của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2008 – 2020 (2011 – 2015) tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên nhằm đào tạo, bồi dưỡng song song với việc đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng theo chuẩn mới. Tiến tới khuyến khích việc tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành, khoa đào tạo tiếng Anh.

Giờ học ngoại ngữ của sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN). Ảnh: Bích Ngọc – TTXVN
Theo Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2008 – 2020, đến nay, Đề án đã xây dựng và thẩm định xong Chương trình thí điểm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên tiếng Anh tiểu học và sẽ thẩm định Chương trình thí điểm đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học hệ cao đẳng và Chương trình thí điểm đào tạo giáo viên tiếng Anh THCS hệ cao đẳng để các trường sư phạm trong cả nước có thể cùng tham khảo, bảo đảm chuẩn năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp sư phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã giao một số trường đại học xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh THPT và THCS trình độ đại học; Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học trình độ ĐH (đã triển khai đến năm thứ 3). Bên cạnh đó, Đề án đang xây dựng trang web WikiCALL chứa các phần mềm học tiếng Anh miễn phí cho giáo viên và học sinh, sinh viên Việt Nam để đồng hành cùng chương trình 1 triệu máy tính giá rẻ cho giáo dục của Bộ Thông tin – Truyền thông.
“Việc triển khai kế hoạch của Đề án giai đoạn 2011 – 2015 sẽ không còn nhiều khó khăn do công tác chuẩn bị, xây dựng nền móng cho các hoạt động của Đề án đã được hoàn thành trong năm 2011. Thời gian tới, sẽ triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với các bậc, trình độ đào tạo. Sẽ làm quyết liệt trong việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực ngoại ngữ của giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Giáo viên tiếng Anh sẽ ra nước ngoài dự giờ
Khẳng định vai trò của việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ GD – ĐT giữ vai trò cao nhất trong việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020. Việc đào tạo giáo viên đạt chuẩn của Đề án đã giao cho 8 trường ĐH thực hiện. Và phải tiến tới mở rộng mạng lưới đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường ĐH có các khoa, có ngành đào tạo tiếng Anh. Hình thành hệ thống giáo viên tiếng Anh tình nguyện giúp các địa phương. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh tình nguyện này có thể là những người giỏi tiếng Anh từ doanh nghiệp… Bên cạnh đó cần xây dựng các trung tâm kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên. Trong vòng 2 năm nữa giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông cần phải đi ra nước ngoài khoảng 1 hoặc 2 tuần, dự giờ ở những trường nói và dạy tiếng Anh. “Chúng tôi đề nghị các trường ĐH, các bộ chủ quản, cần có hướng dẫn để các trường ĐH cả nước có kế hoạch dạy ngoại ngữ của mình: Đi dầu là ĐH Quốc gia, ĐH hai cấp, ĐH trọng điểm” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, theo đánh giá của Ban quản lý Đề án, là sự phối hợp của địa phương trong việc ưu tiên tập trung nguồn lực tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và giỏi nghiệp vụ sư phạm, đồng thời đào tạo và xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của huyện, tỉnh. Với các khoa, các trường sư phạm ngoại ngữ cần chủ động phối hợp với các Sở GD – ĐT đào tạo theo nhu cầu của địa phương và thực hiện cam kết, minh bạch về chất lượng đầu ra. Các địa phương cần có phương án hỗ trợ, đầu tư, đặt hàng cho các cơ sở GD – ĐT, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương và tăng cường kiểm định chất lượng đầu ra của các cơ sở này.
Hiện nay, bên cạnh những tỉnh, thành phố nắm bắt được tình hình chất lượng giáo viên thì không ít địa phương mới bắt đầu tổ chức các kỳ thi kiểm tra trình độ. Vì vậy, đến năm 2012 giáo viên tiếng Anh của những địa phương này mới được đi tập huấn, bồi dưỡng. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng trong giai đoạn thứ hai của đề án và ngành giáo dục quyết tâm: “Dù khó khăn về số lượng và chất lượng giáo viên nhưng kiên quyết không hạ chuẩn giáo viên cũng như chất lượng dạy học” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo Lê Vân
(Tintuc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)