Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Năm 2011: 500.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đến nay, 100% các tỉnh/thành, 70% số huyện và 49% số xã đã có Ban Chỉ đạo; gần 70% Ban Chỉ đạo ở tỉnh đã thông qua quy chế hoạt động; đã dạy nghề cho khoảng 345.000 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 70%, hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đến năm 2010. Bước đầu khẳng định vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm ở một số địa phương: còn trên 30% số tỉnh, thành chưa phê duyệt Đề án cấp tỉnh, một số tỉnh chưa có phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chưa bố trí 1 chuyên trách quản lý dạy nghề ở huyện; còn 30% số huyện và khoảng 50% số xã chưa có Ban Chỉ đạo.
Vì vậy, theo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ban hành, năm 2011 sẽ dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn theo chính sách của Chính phủ, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Đồng thời, tiếp tục triển khai làm rõ mô hình thí điểm ở cấp tỉnh, huyện, xã và các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; tiếp tục nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cho 7 chức danh chuyên môn ở xã.
Để triển khai có hiệu quả đề án này, một số chính sách và giải pháp cũng được Phó Thủ tướng đồng ý cụ thể hóa hơn. Đơn cử, về đối tượng tham gia Đề án, Chính phủ thống nhất sẽ là đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ nghèo và cận nghèo (thay cho quy định đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn như hiện nay).
Về tuổi học nghề, ưu tiên hỗ trợ lao động trẻ trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, nhưng cũng giao UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc cho phép những người lao động lớn tuổi được học nghề nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong khả năng kinh phí được bố trí.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi tỉnh chọn xây dựng ít nhất một trung tâm dạy nghề kiểu mẫu, dạy những nghề có nhu cầu cao nhất và phổ biến nhất ở địa phương. Hỗ trợ đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, chủ yếu thông qua chương trình vay vốn cho học sinh, sinh viên, gắn với đào tạo theo cơ chế đặt hàng…..
PHAN THẢO (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)