Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2011, giáo viên thiếu đến đâu tuyển đến đó

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM đang tiến hành rà soát dữ liệu xét tuyển GV năm học 2011-2012 (ảnh chụp ngày 19-7)
Từ 18 đến 21-7, Sở GD-ĐT TP.HCM, các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường trung cấp – cao đẳng trực thuộc đã tiến hành rà soát dữ liệu xét tuyển giáo viên năm học 2011-2012. Theo đó, có trên 7.000 ứng viên đăng ký xét tuyển giáo viên cho các bậc học là mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp và cao đẳng.
Năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT TP có nhu cầu tuyển 4.355 giáo viên (GV), trong đó nhiều nhất là tiểu học – 1.666 GV, kế đến là mầm non – 962 GV. Và đây cũng là năm thứ hai, Sở GD-ĐT TP phân cấp việc tuyển dụng về cho các đơn vị. Do đó, Sở GD-ĐT TP chỉ tuyển GV cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn từ mầm non đến THCS giao cho các phòng GD-ĐT quận, huyện tuyển…
Bất cập “cung – cầu” ở nhiều quận, huyện
Trong số trên 7.000 ứng viên đăng ký xét tuyển GV năm học 2011-2012, nhiều nhất là bậc THPT. Cụ thể môn toán với 349 ứng viên đăng ký, nhu cầu là 82 GV; môn văn, 347 ứng viên đăng ký, nhu cầu 58 GV; tiếng Anh, 290 ứng viên đăng ký, nhu cầu 82 GV; môn lý, 272 ứng viên đăng ký, nhu cầu 64 GV; môn hóa, đăng ký 205, nhu cầu 58; môn địa, đăng ký 147, nhu cầu 33; môn sử, đăng ký 209, nhu cầu 24; môn thể dục, đăng ký 139, nhu cầu 27…
Làm một phép toán so sánh đơn giản, chúng ta thấy rằng “cầu” chỉ có 1 mà “cung” lên gấp 3-4 lần. “Nhu cầu của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên là bao nhiêu thì sở tuyển dụng bấy nhiêu, tuyệt đối không tuyển dư. Việc xét tuyển sẽ dựa trên điểm số của từng ứng viên và lấy từ cao xuống thấp. Những năm học trước, do tiểu học, THCS thiếu nhiều GV nên sở đã tuyển những người này và đưa xuống các cấp học dưới. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển dụng ở bậc THCS chủ yếu để thay thế những GV nghỉ hưu nên nhu cầu cũng ít. Còn ở tiểu học, những GV tốt nghiệp ĐH toán, lý, hóa… nhưng hầu hết là không đáp ứng được công tác giảng dạy nhiều môn. Do đó, các trường tiểu học từ chối nhận”, ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ, Sở GD-ĐT cho biết.
Theo đó, ở bậc THPT, chỉ những ứng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, hoặc tốt nghiệp ĐH Sư phạm loại khá, giỏi và đăng ký đi ngoại thành mới có cơ hội trúng tuyển.
Việc tuyển dụng ở các quận, huyện đã xảy ra tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Chẳng hạn huyện Bình Chánh có nhu cầu tuyển 150 GV tiểu học (dạy nhiều môn) nhưng mới có 91 ứng viên đăng ký. Trong khi đó, ở Q.Thủ Đức chỉ cần 45 GV tiểu học mà có tới 98 ứng viên đăng ký; Q.Bình Thạnh nhu cầu 5, đăng ký 22; Q.Tân Bình, nhu cầu 30, đăng ký 60; Q.9, nhu cầu 40, đăng ký 76… Ở mầm non cũng xảy ra tình trạng này. Q.8 nhu cầu GV mầm non là 57 người, đăng ký 28 người; Q.Thủ Đức, nhu cầu 101, đăng ký 53; Q.Phú Nhuận, nhu cầu 5, đăng ký 13; Q.Gò Vấp, nhu cầu 10, đăng ký 44; Q.7, nhu cầu 21, đăng ký 47; Q.12, nhu cầu 22, đăng ký 65; Cần Giờ, nhu cầu 4, đăng ký 35… 
Để giải quyết bài toán này, ông Văn Công Sang cho biết: “Sở GD-ĐT sẽ thường xuyên thông báo trên mạng nhu cầu tuyển dụng của các quận, huyện để các ứng viên đăng ký. Theo đó, những ứng viên không trúng tuyển đợt 1 thì vẫn còn cơ hội đăng ký xét tuyển đợt 2, thậm chí là đợt 3, đợt 4 tại các quận, huyện chưa tuyển đủ GV”.
Hộ khẩu – “bùa hộ mệnh”
Ngày 19-7, tại Hội trường Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Sở GD-ĐT TP đã tiến hành rà soát dữ liệu xét tuyển GV năm 2011. Tại đây, chị Huệ – đang là GV tại một trường mầm non công lập ở Hà Nội cho biết: “Năm nay tôi muốn chuyển công tác vào TP.HCM, nhưng không biết thủ tục như thế nào?”. Trả lời về vấn đề này, ông Văn Công Sang nói: “Trong trường hợp thuyên chuyển, công chức phải có chồng (hoặc vợ) hiện đang công tác ổn định từ 1 năm trở lên tại tổ chức có tư cách pháp nhân và thường trú tại TP.HCM, hoặc là người duy nhất nuôi dưỡng cha mẹ già yếu thường trú tại TP. Trong trường hợp tuyển mới thì phải có hộ khẩu tại TP, nếu chỉ có sổ tạm trú (KT3) thì được xét tuyển ở các huyện ngoại thành và các đơn vị có nhu cầu đặc biệt”.
Ông Sang cũng cho biết thêm, sau bốn năm đối với nam và ba năm đối với nữ, những GV dạy ở ngoại thành có quyền làm đơn xin thuyên chuyển về nội thành. Trong trường hợp đã có hộ khẩu tại TP.
Điều đó cho thấy, hộ khẩu chính là “bùa hộ mệnh” để những ứng viên đăng ký xét tuyển GV cũng như những GV đang công tác ở nơi khác chuyển về TP.HCM.
Tình trạng bà bầu xin xét tuyển GV năm nào cũng xảy ra. Cụ thể năm nay có trường hợp của ứng viên Quách Thị Hạnh. Ứng viên này đã mang bầu được bốn tháng, dự đoán tháng 12 sẽ sinh em bé. Khi các cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT từ chối rà soát dữ liệu xét tuyển, ứng viên này thắc mắc: “Thông báo tuyển dụng của Sở GD-ĐT không thấy ghi là không tuyển bà bầu”. Giải đáp thắc mắc này, ông Văn Công Sang trả lời: “Các trường thiếu GV nên mới tuyển, tuyển về là để đi dạy. Mai mốt cô nghỉ sinh thì ai sẽ đứng lớp…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)