Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Năm 2011: Hành động vì an toàn giao thông: Kỳ 1: Mạnh tay với các trường hợp vi phạm

Tạp Chí Giáo Dục

CSGT đang lập biên bản trường hợp vi phạm không đội MBH
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký ban hành văn bản số 457/UBATGTQG về chương trình hoạt động năm 2011, nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, năm 2011 được chọn là năm đầu tiên thực hiện chương trình “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ” theo Nghị quyết A64 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên tham gia soạn thảo và cam kết thực hiện. Đây cũng là năm thứ 3 thực hiện Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), năm thứ 5 thực hiện Luật Đường sắt Việt Nam, năm thứ 7 thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đến năm 2020
Trong năm 2011, Bộ GTVT sẽ cùng các địa phương đánh giá một năm thực hiện Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua đó, bộ nêu rõ những quy định cần bổ sung, sửa đổi để trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bộ cũng tiến hành tổng kết việc thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự ATGT quốc gia đến năm 2010; sơ kết việc thực hiện giai đoạn II (kết thúc năm 2010) Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm rút kinh nghiệm về những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để thực hiện thành công trong giai đoạn III. Thông qua quá trình này, bộ sẽ tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đường sắt để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay và những năm sau; hoàn thành “Chiến lược đảm bảo trật tự ATGT quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lồng ghép “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ” với nội dung chiến lược.
Song song đó, Bộ Công an, Bộ Y tế cũng sớm hoàn thành các văn bản liên quan đến cưỡng chế thực hiện quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đã được xác định tại kế hoạch hành động số 337/UBATGTQG-KH. Các cơ quan thành viên ủy ban, ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thành các phần việc đã nêu tại “kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” theo văn bản số 337/UBATGTQG-KH. Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình thực hiện “Thập kỷ hành động vì ATGT” trên địa bàn, nêu rõ công việc cụ thể và mục tiêu cần đạt trong từng năm.
Tăng cường biện pháp cưỡng chế
Nhằm nâng cao ý thức tự giác, chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật để hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật. Cụ thể, trong năm tới, sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, tốc độ lưu hành, lưu thông không đúng làn đường, phần đường cho phép, không đội mũ bảo hiểm, các vi phạm của thanh thiếu niên… Đối với hai địa bàn lớn là Hà Nội và TP.HCM, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm gây mất trật tự giao thông đô thị như: vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện cơ giới đi ngược chiều hoặc vào đường cấm, điều khiển mô tô lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép hoặc tụ tập cổ vũ đua xe trái phép, vi phạm các quy định về quản lý vận tải khách đường bộ.
Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm có tác động trực tiếp và quyết định đến tình hình trật tự ATGT trên từng địa bàn và cả nước. Để công tác này đạt được hiệu quả cao, các sở, ban, ngành cần tổ chức từng đợt cao điểm vào những khoảng thời gian trọng điểm (Tết Nguyên đán, các lễ hội xuân Tân Mão, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các đợt tuyển sinh ĐH, CĐ, nghỉ lễ Quốc khánh, Tết dương lịch…) hoặc trên các địa bàn phức tạp (các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ hoặc tuyến sông có mật độ phương tiện lưu thông cao). Tổ chức các cao điểm xử lý vi phạm giao thông theo chủ đề; tăng cường công tác tuần lưu cả trên đường bộ và đường thủy; từng bước hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động và thanh tra giao thông chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể trong từng đợt cao điểm xử lý vi phạm và trong cả năm.
N.H

Bình luận (0)